Thực phẩm Tết: Cau tươi, bánh chưng ở chợ tăng giá chóng mặt

au chuỗi ngày ít biến động, giá thực phẩm tại Hà Nội bắt đầu tăng mạnh trong ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, nhiều mặt hàng đã đắt gấp 2 - 3 lần.

Nhu cầu tiêu dùng cao của người dân với nhóm các thực phẩm thiết yếu khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh so với ngày thường, đặc biệt là các thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gia cầm, hải sản...

Giá thịt lợn tăng khoảng 20.000 đồng/kg, lên mức 160.000 đồng/kg; giá thịt bò tăng 20.000 đồng/kg, lên 300.000 đồng/kg; giá gà ta tăng 20.000 đồng/kg, lên mức 160.000 đồng/kg.

Bánh chưng là một trong những mặt hàng tăng mạnh nhất. Nếu ngày thường chỉ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc thì hôm nay tăng lên 50.000 - 60.000 đồng/chiếc, thậm chí có nơi tăng cao hơn. "Tôi vừa mua 3 chiếc bánh chưng, mỗi chiếc giá 75.000 đồng. Biết là đắt bất thường nhưng do sát Tết rồi nên tôi vẫn mua vì ngày Tết thì không thể thiếu bánh chưng được", chị Mai Hoa ở Cầu Giấy, Hà Nội nói.

nlntv-banh-2-3-23373462-1643586855.jpg
Bánh chưng tăng giá mạnh trong ngày giáp Tết Nhâm Dần.

Mặt hàng tăng giá "phi mã" thứ hai trong ngày giáp Tết chính là cau tươi, tăng từ 5.000 lên 15.000 - 20.000 đồng/quả kèm lá trầu. Đáng chú ý, mặt hàng này số lượng không nhiều nên nếu chậm chân, khách hàng nhiều khi không mua được, hoặc phải chọn quả không ưng ý. Do đó, giá cau luôn "nóng bỏng tay". Nhiều người bán cho biết không dám nhập hàng về bán vì giá quá đắt.

"Mua 3 quả cau nhỏ để thắp hương cũng phải trả đến gần 100.000 đồng", chị Lan ở Vĩnh Tuy, Hà Nội chia sẻ.

Bên cạnh đó, giá các loại trái cây khác cũng tăng khoảng 30% so với ngày thường, như táo giá 120.000 đồng/kg, bưởi da xanh giá 90.000 đồng/kg.

Khác với chợ dân sinh, giá thực phẩm tại các siêu thị hay hệ thống phân phối lớn như GO! Big C, WinMart, Co.op Mart, Hapro Mart...ổn định hơn, khi các doanh nghiệp tung nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5 đến 49% cho hàng nghìn mặt hàng phục vụ Tết.

nlntv-nguon-cung-hang-hoa-tai-cac-thanh-pho-lon-duoc-chuan-bi-doi-dao-10183378-1643586952.jpg
Hàng hóa tại các siêu thị, hệ thống phân phối dồi dào, không bị đẩy giá.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối lớn đều đã chuẩn bị nguồn hàng từ 2 tháng trước Tết, do đó không có tình trạng khan hàng, tăng giá.

Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc phía Bắc hệ thống siêu thị Co.op Mart nói: “Chúng tôi triển khai nhiều ưu đãi, khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, đảm bảo người dân mua hàng được thuận lợi nhất”.

Bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cho hay, nắm bắt được tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người dân không về quê đón tết, các đơn vị đã nhập nhiều đặc sản vùng miền như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, dưa món…Các dịch vụ bán hàng online, vận chuyển cũng được áp dụng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

“Đến nay, hàng hóa của hệ thống siêu thị vẫn rất phong phú, từ thực phẩm tươi sống đến bánh kẹo, hoa quả, các đặc sản vùng miền, đảm bảo cung ứng cho người tiêu dùng. Chúng tôi cũng thực hiện việc bán đúng giá để đảm bảo người dân mua sắm được thuận lợi nhất”,bà Hợp nói.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị GO!/Big C và chuỗi siêu thị Tops Market triển khai nhiều chương trình khuyến mãi như: “Giá luôn luôn thấp”, áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; “Khóa giá”, cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh.

Tương tự, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại (Hapro) Vũ Thanh Sơn thông tin, hệ thống này đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá lên đến gần 1.000 tỷ đồng để phục vụ người tiêu dùng trong dịp trước và sau Tết Nhâm Dần.

PHẠM DUY

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thuc-pham-tet-cau-tuoi-banh-chung-o-cho-tang-gia-chong-mat-a1685.html