Quảng Nam: Cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư tại địa phương

Đó là khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng, tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư về Quảng Nam tổ chức chiều ngày 20/7 tại TP. HCM.

“Hội thảo Xúc tiến đầu tư về Quảng Nam” nhằm tăng cường kết nối giữa chính quyền tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời thông tin, quảng bá, thu hút bà con đồng hương và doanh nghiệp các tỉnh phía Nam về đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh từ đó hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Tham dự “Hội thảo Xúc tiến đầu tư về Quảng Nam” có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh và đại diện hơn 150 doanh nghiệp, doanh nhân, bà con đồng hương tại TP. HCM và các tỉnh khu vực phía Nam.

hoi-thao-xuc-tien-dau-tu-ve-quang-nam-3-1721544416.jpg
Các đại biểu, khách mời đại diện khối Doanh nghiệp tham dự Hội thảo

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam thông tin: Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam là một trong những tỉnh, thành phố của Việt Nam được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin cậy. 

hoi-thao-xuc-tien-dau-tu-ve-quang-nam-2-1721544416.jpg
Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tỉnh đã công bố, có ý nghĩa rất quan trọng để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch này, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới để tỉnh Quảng Nam cất cánh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, động lực phát triển của khu vực miền Trung và cả nước; việc thu hút đầu tư từ các địa phương lớn như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là phát huy lợi thế để phát triển.

Quảng Nam là một trong số ít địa phương của cả nước có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ, cao tốc; có 02 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp cổ Mỹ Sơn; có 02 khu kinh tế bao gồm Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, 14 Khu công nghiệp và 115 Cụm công nghiệp đã được quy hoạch theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy lợi thế về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương, tiềm năng hợp tác đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư khi tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với các đối tác tại những sự kiện tổ chức trong và ngoài nước. Đến nay, tỉnh đã thu hút 1.164 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 233.163 tỷ đồng; 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,2 tỷ USD (xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài – theo Cục Đầu tư nước ngoài). 

Kết quả thu hút đầu tư đã giúp cho kinh tế Quảng Nam có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô và tiềm lực kinh tế. Quy mô nền kinh tế hiện nay xếp 26/63 tỉnh, thành phố cả nước với gần 59 nghìn tỷ đồng (xếp thứ 7/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; xếp thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung). Hoạt động xuất khẩu năm 2023 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Nguồn nhân lực dồi dào, phát triển về cả số lượng và chất lượng, mục tiêu đến năm 2030 quy mô lực lượng lao động của tỉnh đạt trên 77 nghìn người. 

Kết quả trên có được là nhờ sự đóng góp cực kỳ quan trọng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp của bà con đồng hương và các doanh nghiệp khu vực phía Nam. 

hoi-thao-xuc-tien-dau-tu-ve-quang-nam-6-1721544547.jpg
Ông Đỗ Xuân Diện - Chủ tịch Doanh nhân Quảng Nam phía Nam (QRB) phát biểu

Phát biểu thảo luận tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu quan tâm vào các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào Quảng Nam, các lĩnh vực như: Đầu tư Trung tâm Dược liệu vào Quảng Nam, phát triển dược liệu sâm Ngọc Linh, quế; công nghiệp hỗ trợ, điện năng lượng, công nghiệp công nghệ cao; du lịch xanh, phát huy lợi thế hai di sản văn hoá thế giới (Phố cổ Hội An và Tháp Mỹ Sơn); Hồ Phú Ninh, làng cỏ Lộc Yên huyện Tiên Phước, đua thuyền sinh thái, kinh khí cầu phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, gắn công nghiệp với công nghiệp cao, kết hợp chăm sóc nghỉ dưỡng và du lịch; tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp bất động sản, cơ chế hỗ trợ hạ tầng, chính sách thuế, thủ tục pháp lý đối với PCCC, các vấn đề liên quan đến thuê đất, xây dựng bộ quy hoạch về giá/tấm rác thải, xử lý nước thải, môi trường… các vấn đề đại biểu quan đã được lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh Quảng Nam giải thích, trao đổi làm rõ hơn về những cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh.

hoi-thao-xuc-tien-dau-tu-ve-quang-nam-1-1721544416.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam giới thiệu tiềm năng và thế mạnh về du lịch để thu hút đầu tư

Nhấn mạnh tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết: Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình nghiên cứu, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Mong muốn doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tích cực tham gia hiến kế cho tỉnh những chủ trương, giải pháp mới mang tính đột phá trên những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh. Từ đó, góp phần từng bước cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nói chung và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói riêng; thu hút đầu tư song song với hỗ trợ doanh nghiệp.

Không thỏa mãn với kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Nam hướng đến tương lai với một khát vọng “Đổi mới, Hội nhập và Phát triển” mạnh mẽ. Tinh thần đó đã được thể hiện rõ nét trong quyết tâm, định hướng của tỉnh tại Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024. Yêu cầu đặt ra đối với tỉnh là phát triển nhanh và bền vững với 4 khâu đột phá: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Nâng cao nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội; Nâng cao năng lực khoa học công nghệ. Đồng thời đề ra danh mục dự án ưu tiên đầu tư nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực để hiện thực khát vọng phát triển.

hoi-thao-xuc-tien-dau-tu-ve-quang-nam-5-1721544417.jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư


 

Đinh Phúc

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/quang-nam-cam-ket-dong-hanh-ho-tro-doanh-nghiep-trong-qua-trinh-dau-tu-tai-dia-phuong-a16843.html