Đình làng cổ Lại Đà trên quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đình Lại Đà là ngôi đình lớn trong vùng, còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay và là ngôi đình có niên đại xa nhất trong các đình còn lại của xã Đông Hội. Cho đến nay , đình Lại Đà đã trên 170 năm tuổi.

lai-da-5-1721543112.jpg
Đình làng Lại Đà thờ Thành hoàng Nguyễn Hiền. Ngài là nhân thần. Thần phả ghi: Ngài sinh ngày 11 tháng 3 năm 1234, tại châu Hoan ái. Năm Đinh Mùi (1247) Ngài đỗ Trạng nguyên, lúc ấy mới 13 tuổi. Tháng 2 năm ất Hợi (1275) giặc Chiêm Thành xâm lược nước ta, Nhà Vua cử Ngài dẫn quân đi dẹp giặc. Nhờ tài thao lược, Ngài đã đánh tan quân Chiêm Thành, bắt được tướng giặc. Đất nước trở lại thanh bình, Nhà Vua phong Ngài vào hàng hiển quý quan thứ nhất
lai-da-4-1721543112.jpg
Đình thiết kế theo hình chữ Công nhìn về hướng Nam, gồm nhà đại bái (đại đình), hậu cung và hậu bầu, đều làm bằng gỗ lim. Nền đình cao hơn sân đình 50 cm; chiều dài nhà đại bái là 25,6 m và chiều rộng 12,75 m
lai-da-16-1721543114.jpg
Nhà đại bái là công trình chính, gồm 5 gian, 2 chái, có 8 hàng cột, 6 hàng chân (tổng số là 48 cột). Cột cái có chiều cao hơn 5 mét, đường kính 56 cm; cột quân đường kính 45 cm; cột hiên đường kính 35 cm. Gian giữa có cửa võng đề bốn chữ - Nguyễn Đại Vương từ. Ngoài ra còn nhiều hoành phi câu đối khác treo trong đình
lai-da-8-1721543112.jpg
Trước kia đình có sàn, lát bằng gỗ lim, theo lối tam cấp, hai gian tả hữu, thì sàn một gian cao, một gian thấp. Xung quanh đình bố trí cửa bức bàn, chấn song. Các đầu dư chạm trổ theo hình đầu rồng tinh xảo. Mái đình kết cấu theo theo kiểu chồng giường, toàn bộ sức nặng của toà đình được đỡ bởi hệ thống cột
lai-da-3-1721543112.jpg
Đình làng ta dựng thời Nguyễn, nên đồ sộ, vững chãi. Về kiến trúc, điều đáng chú ý là đầu đao có độ cong lớn. Toà đại đình bề thế. Đình có 8 hàng cột, đã nâng mái lên cao hơn và tăng thêm độ dốc, mái xoà cong xuống, trông thật mềm mại, bay bổng
lai-da-7-1721543112.jpg
Tiếp giáp với nhà đại bái là hậu cung, nối với hậu bầu. Hậu cung có cửa khám, đặt bài vị Thành Hoàng. Phía trên cửa khám có 4 chữ "Thánh Cung Vạn Tuế". Trước cửa khám là bệ thờ, đặt ngai, mũ, áo, hia, cùng các đồ thờ tự
lai-da-10-1721543113.jpg
Tính từ khi xây dựng, cho đến năm 1938, đình làng vẫn chưa phải sửa chữa lớn lần nào. Từ ngày đình được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá, đã có một số lần sửa sang: năm 1989 sửa hậu cung và đảo ngói; năm 1990 xây sửa tam quan. Kể từ khi dựng đình, đợt trùng tu 2002 - 2003 là lớn nhất, với khoản đầu tư của nhà nước là 1,5 tỷ đồng (khoảng hơn 200 cây vàng), bắt đầu tiến hành vào ngày 25/10/2002 và hoàn thành vào 25/7/2003. Công việc trùng tu, về phần mộc, do tổ thợ Chàng Sơn, Thạch Thất; phần ngoã, do nhóm thợ Hoài Đức - Hà Tây đảm nhận
lai-da-13-1721543114.jpg
Tuy nói là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng làng xã, nhưng đình làng trước hết là một trung tâm hành chính, nơi diễn ra những công việc quan trọng, hội họp, thu sưu thuế, phân xử tranh chấp. Tiếp đến đình là trung tâm văn hoá, nơi tổ chức hội hè, ăn uống (do vậy mà có từ đình đám). Vào dịp hội hè, các bàn hội trong làng được ngồi ở đình theo ngôi thứ quy định. Các phường, hội hàng năm giỗ tổ cũng đến đình hội họp, như phường Bỏng, phường ca trù,... Đình còn là trung tâm tín ngưỡng, nơi thờ Thành hoàng
lai-da-14-1721543114.jpg
Thế đất, hướng đình được xem là quyết định vận mệnh của dân làng. Thành Hoàng là người che chở, phụ trợ cho dân làng. Xa ai đi thi đều phải thành tâm sửa lễ ra đình, để xin Ngài phù hộ; khi công thành danh toại, vinh quy bái tổ, trước hết là vào bái tạ Thành Hoàng. Đến như trai lấy vợ, gái gả chồng, cũng có lễ tạ Thành Hoàng, gọi là lễ hương. Cuối cùng, đình là trung tâm giao lu về tinh thần, tình cảm của dân làng
lai-da-6-1721543112.jpg
Ngôi đình đã nhiều lần được trùng tu. Hiện nay, trong đình còn lưu giữ được 20 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến xưa, từ năm Khánh Đức thứ 4¬ (1652) đến năm Khải Định thứ 9 (1924). Theo Thần phả thì đình Lại Đà ban đầu không to lắm, do có xuất xứ từ một ngôi đền thờ. Ngôi đình hiện nay có hình dáng ổn định và mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn từ sau lần được dựng lại vào năm 1853
lai-da-19-1721543114.jpg
Là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hoá, thế kỷ XV, làng Lại Đà có cụ Vương Khắc Thuật đậu hàng Tam khôi; vào cuối thời Lê, đầu thời nhà Nguyễn có cụ Ngô Tuấn được xếp vào bậc danh thần trấn Kinh Bắc. Sau này, còn rất nhiều người đỗ Cử nhân, Tú tài, góp phần làm cho Lại Đà là đất văn hiến trong xứ Đông Ngàn hay chữ.
lai-da-18-1721543113.jpg
Thế hệ ngày nay đã kế tục rất xứng đáng truyền thống “văn hiến” xưa của làng, với rất nhiều người có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sỹ và cương vị lãnh đạo cao trong xã hội. Làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Tp Hà Nội là nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên

Võ Việt

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dinh-lang-co-lai-da-tren-que-huong-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-a16842.html