Thế trận quốc phòng toàn dân là gì? (Phần 1)

Thế trận là một phạm trù cơ bản trong nghệ thuật quân sự, phản ánh phương thức, cách thức bố trí các lực lượng sao cho đạt hiệu quả tối ưu của từng lực lượng cũng như tạo nên sức mạnh liên kết, hỗ trợ, hợp đồng tác chiến của các lực lượng theo phương án tác chiến thống nhất.

thuy3-1720968285.jpg
Kiểm tra vũ khí trang bị ở Lữ đoàn 242 (Quân khu 3). Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta có vai trò to lớn trong hoạt động quân sự, là giải pháp chủ yếu để hạn chế ưu thế, sức mạnh của địch, khắc phục những khó khăn, hạn chế của ta, tận dụng, phát huy lợi thế, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh địch trong thế có lợi. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, việc tạo lập và vận hành thế trận một cách tối ưu thậm chí có thể cho phép chuyển hóa từ những lực lượng không quá mạnh thành lực lượng tổng thể hơn hẳn đối phương, xoay chuyển hẳn cục diện tác chiến.

Đối với điều kiện nước ta, nghệ thuật quân sự truyền thống đặc biệt coi trọng thế trận. Vốn là một dân tộc thường xuyên phải đối mặt với chiến tranh, lại phải đương đầu với kẻ thù xâm lược có tiềm lực, sức mạnh quân sự hơn hẳn, nên cùng với những kế sách, phương lược quân sự phù hợp khác, việc tạo lập và vận hành thế trận có lợi, luôn nắm chắc sự chuyển hóa thế trận đã trở thành một vấn đề mang tính sống còn của cuộc kháng chiến nói chung, từng trận đánh nói riêng.

Trước hết, thế trận quốc phòng của ta là thế trận toàn dân, mỗi người dân đều được khẳng định vai trò trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, được chuẩn bị tốt về chính trị tư tưởng, được tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện cách thức đấu tranh với địch trên các mặt trận; có cơ chế lãnh đạo phù hợp để phát huy sức mạnh của từng người, từng tổ chức thành sức mạnh tổng hợp.

Thứ hai, đó là thế trận toàn diện, tích hợp sức mạnh từ tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; mỗi lĩnh vực đó trở thành một “binh chủng”, liên kết chặt chẽ với nhau hợp thành một khối thống nhất trong thế trận quốc phòng toàn dân của cả nước.

Thứ ba, đó là thế trận vững chắc và linh hoạt. Thế trận trong thời bình bảo đảm vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng, vừa trên cơ sở dự kiến các phương án của chiến tranh nhân dân để triển khai sao cho kết quả chuẩn bị ấy phát huy tác dụng khi chiến tranh xảy ra.

Thứ tư, đó là thế trận phòng ngừa, ngăn chặn là chính, đồng thời có khả năng triển khai sức mạnh tại chỗ để giải quyết vấn đề khi cần thiết. Lực lượng vũ trang làm nòng cốt và hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh chính trị; song luôn nắm chắc tình hình, xử lý nhanh gọn, kịp thời, không để cho kẻ thù kịp tập hợp lực lượng, móc nối bên ngoài, mở rộng hoạt động chống đối.

Thế trận lòng dân thực sự là một trong những nhân tố cốt lõi của thế trận quốc phòng toàn dân. Thuật ngữ “thế trận lòng dân” được sử dụng nhiều ở nước ta gần đây như sự khái quát kinh nghiệm lịch sử về dựa hẳn vào dân để tìm nguồn sức mạnh giữ nước, và thường được hiểu với ý nghĩa có được lòng dân thì có được thế trận giữ nước. Đương nhiên, nói đến thế trận lòng dân trước hết phải nói đến yếu tố cốt lõi là lòng dân.

xay-dung-the-tran-long-dan-18591604052020-1720968285.jpg
Cán bộ, chiến sĩ trạm kiểm soát Cửa Lân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Truyền hình Thái Bình

Song, lòng dân có thể được tiếp cận ở nhiều góc độ: Sức mạnh lòng dân, tiềm lực lòng dân, lực lượng lòng dân, thế trận lòng dân. Theo đó, thế trận lòng dân là dựng lòng dân thành thế trận, tựa như quan niệm truyền thống của người Việt về “chúng chí thành thành”, nghĩa là lòng dân trở thành bức tường thành giữ nước vững chãi. Trong các cuộc chiến tranh, dù với tính chất chính trị - xã hội như thế nào thì các bên tham chiến cũng đều phải tính đến việc tìm sức mạnh ở đâu để chiến thắng, và điều đó liên quan trực tiếp tới vấn đề chiến thắng ấy sẽ đem lại lợi ích cho ai. Xét đến cùng, quần chúng nhân dân làm nên lịch sử, đó là một nguyên lý khoa học được đúc kết từ thực tiễn lịch sử nhân loại. Đặc biệt, trong đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội, chiến tranh..., giai cấp lãnh đạo và nhà nước nào thấu triệt vấn đề này thì sẽ tìm được sức mạnh thực sự bằng cách khơi dậy mọi tiềm lực trong dân.

Đối với dân tộc ta, vấn đề càng trở nên hiển nhiên, bởi lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, việc cố kết dân tộc tạo sức mạnh cộng đồng chống chọi với cả thiên tai và địch họa không những là nhu cầu cấp thiết mà còn trở thành giá trị truyền thống mang tính vĩnh hằng. Dưới khía cạnh khác, các nhà lãnh đạo đất nước muốn tạo được sức mạnh từ dân thì ít nhiều phải tính đến lợi ích của dân. Đó cũng là tính quy luật của lịch sử.

Tuy nhiên, so với việc làm thế nào để giữ được lòng dân thì việc tạo dựng lòng dân ấy thành thế trận giữ nước còn khó hơn gấp bội. Việc tìm sức mạnh trong dân để giữ nước chỉ thực hiện được khi tỏ rõ lợi ích của sự cố kết cộng đồng, khi làm cho ý thức độc lập dân tộc thấm sâu vào mỗi người dân, trở thành cốt cách văn hóa mang tính truyền thống. Tiềm lực mọi mặt từ dân chỉ trở thành thực lực kháng chiến khi được thiết kế thực sự phù hợp với từng bối cảnh lịch sử cụ thể, từng địa bàn chiến lược cụ thể. Có thực hiện được như vậy thì người dân mới không chỉ tạo hậu thuẫn cho lực lượng kháng chiến, mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu, làm cho lực lượng ta lúc đầu nhỏ yếu luôn ngày càng lớn vượt lên.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/the-tran-quoc-phong-toan-dan-la-gi-phan-1-a16768.html