Nữ đại sứ nghề 8X "vẽ đường kiếm tiền bằng nghề cho sinh viên"
Đại sứ nghề Nguyễn Thị Huyền Trang hiện đang giảng dạy môn Quản trị kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Nữ giảng viên sinh năm 1986 phụ trách các lớp chất lượng cao, dạy các nội dung thực hành trọng điểm, vốn chỉ những giảng viên có tay nghề cao đảm nhận. .
Cô Trang cũng là Bí thư đoàn trường Cao đẳng du lịch Hà Nội. Thủ lĩnh "phần hồn" của sinh viên là một thuận lợi để cô gắn hoạt động đào tạo, thi tay nghề với hoạt động của đoàn trường.
Cô Trang từng giành Huy chương Bạc nghề Dịch vụ nhà hàng tại Kỳ thi tay nghề ASEAN 2005. Đứng thứ 11 tại Cuộc thi Tay nghề thế giới tại Nhật Bản năm 2007, nhờ đó được nhận học bổng du học của Ý và Tây Ban Nha. Nhưng vì bố mẹ sợ xa con gái nên không cho đi du học.
Vừa làm giảng viên, vừa kinh doanh rất thành công, cô Trang thường được sinh viên hỏi cách bán sản phẩm thế nào để ra tiền? Tận dụng nghề mình học để làm việc gì, kinh doanh cái gì?
Để khuyến khích việc học của sinh viên. Cô Trang vẽ con đường từ việc học nghề đến việc kiếm tiền cho sinh viên.
"Tôi vẫn nhắc sinh viên của mình là nếu lượng không đổi thì chất không đổi. Nếu như không học, không đầu tư thì không thể nâng cấp bản thân, không làm ra tiền.
Tôi hướng dẫn các em nên đi làm theo chuỗi các thương hiệu lớn. Ví dụ như Starbucks, Pizza hut họ có rất nhiều cơ sở ở Việt Nam. Lương của trưởng vùng đã là 50 triệu đồng/tháng, sự tiến thân của các em sẽ nhanh hơn là vào các doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước.
Sinh viên của tôi có bạn mới học năm 3 đã làm giám sát cửa hàng, sau đó lên quản lý, giám sát nhiều cửa hàng hơn. Cơ hội tiến thân trong các chuỗi tập đoàn nước ngoài là rất nhanh", cô Trang nói.
Cô cũng dạy sinh viên làm các công thức đồ uống để bán cho các chung cư, quản trị đầu vào đầu ra của sản phẩm.
Cô Trang cho rằng, sinh viên học nghề cần phải đáp ứng 3 yếu tố: giỏi nghề, giỏi tiếng Anh, có bộ kỹ năng thiết yếu.
Đại sứ nghề làm "bác sĩ" cho máy móc
Đại sứ nghề Nguyễn Đức Lợi từng đủ điểm vào Đại học Bách Khoa TPHCM, nhưng lại chọn học nghề vì niềm tin "có nghề là có tất cả".
Đức Lợi cầm tấm Huy chương Vàng kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN 2018, vào doanh nghiệp làm "bác sĩ" cho máy móc, nhận mức lương cao.
Đại sứ nghề Nguyễn Đức Lợi sinh năm 1997 tại quận 11, TPHCM. Chàng trai Sài thành tốt nghiệp ngành Bảo trì cơ khí, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, cầm tấm bằng loại Giỏi.
Đại sứ nghề Nguyễn Đức Lợi từng giành giải Nhất kỳ thi tay nghề TPHCM 2018, giải Nhất - HCV kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2018 với số điểm 100/100. Cũng trong năm đó, tại Thái Lan, anh nhận tấm HCV kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN 2018 với số điểm tuyệt đối (Ảnh: NVCC). Năm 2018, bước ra kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN 2018 với tấm HCV nghề Bảo trì máy CNC, Lợi được nhận ngay vào công ty TNHH máy công cụ ATC.
Công việc chính của Lợi là khảo sát, chẩn đoán, bảo trì, sửa chữa máy móc, thiết bị tự động, tiêu biểu là máy gia công tự động điều khiển số CNC. Bên cạnh đó, Lợi còn hỗ trợ, hướng dẫn các đồng nghiệp khác trong các hoạt động tại nơi làm việc.
Lợi ví von công việc này cũng như làm "bác sĩ" chữa bệnh và phòng bệnh cho máy móc. Lợi cho biết, anh nhận được mức lương không nhỏ, trong tương lai sẽ rất cao vì Bảo trì máy CNC là ngành nghề hot. Lợi là một trong số ít người có được vị trí công việc tốt như vậy dù mới ra trường vài năm.
Đại sứ nghề Trương Thế Diệu quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm ngoái, chàng trai sinh năm 1997 tốt nghiệp chuyên ngành Cắt gọt cơ khí, trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội, cầm tấm bằng loại xuất sắc.
Dù mới tốt nghiệp, nhưng hiện tại Diệu đã làm việc cho công ty TNHH Denso (chuyên sản xuất linh kiện ô tô). Diệu làm công tác đào tạo môn Nghề phay CNC cho thí sinh sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề (KNN) thế giới năm 2022, tại Trung Quốc.
Trước đó Diệu đã gắn bó với công ty này từ năm thứ 2 học nghề. Diệu được công ty đào tạo, trả lương như nhân viên trong công ty để tham dự kỳ thi KNN thế giới năm 2019 và giành Huy chương Bạc môn Nghề phay CNC.
Ngay từ năm 22 tuổi, Diệu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao huân chương Lao động hạng Nhì sau khi vượt qua 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, giành giải Bạc môn Nghề phay CNC tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2019.
Đại sứ nghề Nhữ Thị Phương (quê Bắc Giang) rẽ sang học nghề sau khi thi trượt đại học. Tốt nghiệp trường nghề với tấm bằng xuất sắc, cô được nhà trường giữ lại làm giảng viên, tự mở nhà hàng đồ uống, có thu nhập cao.
Đại sứ nghề Nhữ Thị Phương hiện là giảng viên môn Nghiệp vụ nhà hàng và Nghiệp vụ pha chế đồ uống, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
"Mình tâm niệm rằng bản thân đã được nhà trường, nhà nước tạo điều kiện để rèn luyện và phát triển bản thân, phát triển kỹ năng nghề toàn diện. Nếu mình chỉ làm cho một cơ sở, doanh nghiệp thì sẽ không phát huy hết được những gì đã học hỏi của ở các chuyên gia.
Chỉ có làm giảng viên thì mình mới truyền lại được những kiến thức, kỹ năng ấy cho nhiều người. Chính việc mình đi giảng dạy cũng giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng mới", cô giáo Phương nói.
Năm 2018, cô giáo Phương chuyển công tác từ trường CĐ Du lịch Hải Phòng về Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, giảng dạy bộ môn Nghiệp vụ nhà hàng và Nghiệp vụ pha chế đồ uống.
Cô Phương là cầu nối giúp các doanh nghiệp lựa chọn được những sinh viên có tay nghề cao vào làm việc và trả lương xứng đáng.
Đại sứ nghề - Kỹ sư Thi Quốc Vinh tốt nghiệp trường nghề xong liền bỏ ra 6 năm nữa để học đại học. Vinh làm chủ công ty cung cấp thiết bị dạy nghề khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Đại sứ nghề 2021 Thi Quốc Vinh từng giành Huy chương bạc nghề Cơ điện tử tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2012, nhận chứng chỉ nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 42 năm 2013.
Tốt nghiệp trường nghề được vài năm, Vinh trở thành Giám đốc công ty TNHH Didactic Việt Nam chuyên cung cấp thiết bị dạy nghề, khi đang tiếp tục ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Cuối năm 2011, Vinh tốt nghiệp trường nghề, không chọn học liên thông lên đại học mà thử sức ở một ngành học mới. Vinh thi đỗ trường Đại học Bách khoa TPHCM, ngành Tự động hóa, hệ vừa học vừa làm.
Những kiến thức học được ở giảng đường đại học càng củng cố cho những kỹ năng nghề và hỗ trợ Vinh trong quá trình làm việc.
Vừa bước ra khỏi trường nghề, Vinh liền dùng kiến thức để chinh phục các cuộc thi. Vinh giành giải Nhất Kỳ thi kỹ năng nghề cấp Thành phố, giải Nhất Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2012. Vượt qua những thử thách đó, Vinh được chọn đi thi kỹ năng nghề khu vực ASEAN và thế giới, đạt những thành tích đáng nể.
Sau các cuộc thi, Vinh vừa làm nghề, vừa trải nghiệm nhiều lĩnh vực công việc liên quan, sau đó quay về trường nghề giảng dạy, nghiên cứu. Tham gia huấn luyện đội tuyển Cơ điện tử Việt Nam tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới.
Vinh đang là thành viên Ban tổ chức thi kỹ năng nghề Việt Nam năm 2021. Vừa học đại học, vừa làm nhiều công việc cùng lúc giúp Vinh có thu nhập tốt. Năm 2016, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Vinh đã dồn hết nguồn lực kinh tế mình có để khởi nghiệp ở lĩnh vực cung cấp, tư vấn kỹ thuật và giải pháp đào tạo ở một số ngành nghề liên quan đến kỹ thuật như Điện, Điện tử, Cơ điện tử, Điện lạnh, Ô tô, Robot…
Lệ Thu
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/diem-danh-5-dai-su-nghe-tieu-bieu-nam-qua-a1668.html