Quan điểm sức mạnh tổng hợp là quan điểm cơ bản của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt được nhấn mạnh trong nhiệm vụ củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đại hội IX của Đảng khẳng định rõ: “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân”.
Trong tình hình mới, các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng xen lồng, thâm nhập lẫn nhau; ngày càng có quan hệ chặt chẽ với nhau, tùy thuộc vào nhau; tính hỗ trợ, bổ sung cho nhau càng trở nên rõ ràng.
Vấn đề chiến tranh và hòa bình không thể đứng tách riêng ra một cách độc lập mà ngày càng phụ thuộc vào các lĩnh vực khác cũng như được thể hiện ra trên các mặt hoạt động khác của xã hội.
Do đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân nhất thiết phải trên cơ sở quan điểm sức mạnh tổng hợp, phải dựa chắc vào tiềm lực tổng hợp, từ đó mới có điểm tựa để giải quyết thỏa đáng vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Đến lượt nó, quan điểm sức mạnh tổng hợp lại đòi hỏi quốc phòng và an ninh phải dựa vào nội lực là chính, từ tiềm lực và sức mạnh vốn có của các địa phương, các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, trong sự kết hợp với ngoại lực, với tiềm lực bên ngoài. Tiềm lực tổng hợp là yếu tố cơ bản không những để tăng cường quốc phòng và an ninh một cách vững chắc, mà còn nhằm phát triển bền vững, đặc biệt là cho phép giải quyết thỏa đáng vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Tư tưởng làm thay, làm hộ, chỉ dựa vào tiềm lực bên ngoài mà thiếu phát huy tiềm lực tổng hợp, không khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng của tình yêu quê hương đất nước, truyền thống đoàn kết cộng đồng… chỉ làm suy giảm khả năng tăng cường quốc phòng, an ninh.
Điều quan trọng là phải làm thế nào để có thể khơi dậy, phát huy và quy tụ được tiềm lực tại chỗ, tiềm năng của cả dân tộc vào nhiệm vụ củng cố quốc phòng và an ninh.
Đồng thời, việc phát huy cao độ nội lực cần gắn với thời cơ tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, phát triển bền vững đất nước thì mới tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân ở Việt Nam, đủ sức giải quyết những tình huống chiến lược của đất nước liên quan đến vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Một khía cạnh khác là xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình luôn kết hợp chặt chẽ với đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong một thể thống nhất.
Về vấn đề này, Đại hội IX của Đảng nêu rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Tám khóa IX tiếp tục khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội X chỉ rõ: “Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước”. Quan điểm này cũng được nhấn mạnh trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), đồng thời được cụ thể hóa trong các văn kiện khác của Đại hội XI và Đại hội XII.
Theo đó, quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải đặt trong mối quan hệ và kết hợp chặt chẽ với hoạt động đối ngoại, cũng như gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xay-dung-nen-quoc-phong-toan-dan-dua-tren-suc-manh-cua-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-phan-1-a16318.html