Với phương châm phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đo lường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển lĩnh vực đo lường... là những đề xuất của các đại biểu tại Hội thảo có chủ đề “Đo lường hôm nay vì ngày mai bền vững” do Viện Đo lường Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng và Hội Đo lường Việt Nam tổ chức ngày 20/05/2024 nhằm Kỷ niệm Ngày Đo lường thế giới 20/05.
Yếu tố quan trọng của khoa học, công nghệ và kỹ thuật ứng dụng vào đo lường chất lượng
Ông Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chia sẻ trong hội thảo, trước bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số, xã hội số, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đóng vai trò rất quan trọng giúp nâng cao hiệu quả, tiện ích trong giao dịch thương mại, truyền tải thông tin, kết nối xã hội... Với 17 mục tiêu phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015 được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, nhằm hướng tới xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.
Tại Việt Nam, ngày 10/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Sau đó, Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững cũng được ban hành ngày 25/09/2020. Ngày 14/07/2023, Thủ tướng đã ký Quyết định số 841/QĐ-TTg về ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mục tiêu đạt được Net zero vào năm 2050. Để đáp ứng thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững thì vai trò của ngành đo lường là rất quan trọng, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật.
Trong hội thảo các chuyên gia cũng đưa ra ý kiến đóng góp cụ thể hóa đối với ngành đo lường, khẳng định tầm quan trọng đặc biệt vì nó hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững và những nỗ lực của Liên hợp quốc đạt tới sự phát triển toàn cầu bền vững như: thương mại công bằng và minh bạch trên cơ sở phục vụ của đo lường pháp định để cải thiện điều kiện kinh tế và hỗ trợ giảm nghèo; tác động khí hậu hiệu quả phải dựa vào công nghệ đo lường để định lượng khí thải và các biến số khí hậu thiết yếu cũng như giám sát hiệu lực của chiến lược giảm nhẹ; hạ tầng cơ sở và sự đổi mới công nghiệp phụ thuộc vào các phép đo chính xác; các phép đo là thiết yếu để phát triển và giám sát công nghệ đảm bảo chúng ta có sự tiếp cận với năng lượng sạch và chấp nhận được...
Ông Trần Quý Giầu - Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) thông tin thêm, để phát triển đo lường phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, ngày 24/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 phê duyệt "Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030”. Mục tiêu chung nhằm phát triển chuẩn đo lường quốc gia theo hướng hiện đại, đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường trong giai đoạn mới, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Quyết định nêu rõ, giai đoạn 2024-2025 phấn đấu duy trì, bảo quản và sử dụng 48 chuẩn đo lường quốc gia của 29 đại lượng đã được phê duyệt theo Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 08/08/2013 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư phát triển mới, bổ sung 08 chuẩn đo lường của 07 đại lượng. Giai đoạn 2026-2030, duy trì, bảo quản và sử dụng các chuẩn đo lường quốc gia của các đại lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đầu tư nâng cấp mở rộng phạm vi đo, nâng cao trình độ 09 chuẩn đo lường quốc gia của 08 đại lượng đã được phê duyệt; đầu tư phát triển mới, bổ sung 36 chuẩn đo lường của 23 đại lượng. Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tập trung, ưu tiên nguồn lực triển khai, phát triển các chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt; đào tạo cán bộ; duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn đo lường quốc gia; hợp tác quốc tế. Cùng với đó là phát triển chuẩn đo lường quốc gia đáp ứng các yêu cầu: sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện duy trì, bảo quản, sử dụng tại Việt Nam; bảo đảm trình độ chuẩn tương đương với trình độ chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN. Đạt độ chính xác và phạm vi đo cần thiết tương đương với đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn đầu (primary standards) hoặc chuẩn thứ (secondary standards), giữ vai trò là chuẩn đo lường quốc gia cho từng lĩnh vực đo tương ứng, bảo đảm tính liên kết của chuẩn tới hệ đơn vị đo quốc tế (SI).
Những khó khăn cần giải pháp tháo gỡ
Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN Hài Phòng cho biết, ngành KH&CN Hải Phòng xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực, đồng thời là mục tiêu phát triển đột phá và bền vững TP Hải Phòng; đi tắt, đón đầu để phát triển KH&CN, trong đó có lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thực sự là giải pháp cho việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, ông Trần Quang Tuấn cũng thừa nhận hiện nay, việc phát triển lĩnh vực đo lường ở Hải Phòng cũng đang gặp nhiều bất cập. Nguồn lực cho lĩnh vực này còn hạn chế; thu nhập của đội ngũ những người làm công tác kiểm tra, đo lường, hiệu chuẩn, thử nghiệm... còn thấp, dẫn đến một số lượng không nhỏ cán bộ bỏ việc để tìm kiếm công việc khác.
Bổ sung cho những bất cập trên, ông Nguyễn Tiễn Dũng - Trưởng phòng Quản lý Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Sở KH&CN) Thái Nguyên cho rằng, nhiều Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ở các địa phương trong cả nước đã bị sáp nhập, chuyển đổi thành phòng nên việc triển khai các hoạt động liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát lĩnh vực này hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, lĩnh vực đo lường đang còn nhiều bất cập, nhất là đo lường về điện, nước và khối lượng. Do đó, các đại biểu đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sớm có giải pháp hỗ trợ (đào tạo, tập huấn...) để hỗ trợ các đơn vị triển khai có hiệu quả hoạt động đo lường tại địa phương.
Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam Vũ Khánh Xuân cho biết, với chủ đề của Ngày đo lường thế giới 2024 là sự bền vững, các phép đo chính xác sẽ là nền tảng của việc xây dựng chính sách và nghiên cứu môi trường để chúng ta hiểu và xử trí các thách thức về môi trường phức tạp như biến đổi khí hậu, ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên. Ngày đo lường thế giới 2024 nhấn mạnh vai trò thiết yếu của đo lường trong tất cả các trường hợp và nhắc nhở trách nhiệm tập thể trong bảo vệ hành tinh. Đặc biệt, năm 2024 cũng đánh dấu một chương mới trong việc quảng bá Ngày đo lường thế giới theo Nghị quyết của phiên họp lần thứ 42 Hội nghị toàn thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tháng 12/2023 về công nhận chính thức ngày 20/05 là ngày UNESCO quốc tế để tiến hành kỷ niệm hằng năm. Đây là cơ hội mới để thúc đẩy đo lường và phù hợp với sứ mệnh của UNESCO là xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua khoa học và giáo dục.
Hoàng Cường
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/do-luong-hom-nay-vi-tuong-lai-ben-vung-a16240.html