Sự chuyển mình của âm nhạc dân gian
Theo nhà báo Ngô Bá Lục, âm nhạc vốn xuất phát từ cuộc sống và phục vụ chính cuộc sống của con người. Chính vì vậy, âm nhạc ở thời kỳ nào cũng gắn liền với bản sắc, tính chất, tâm tư, tình cảm của con người ở thời kỳ đó. Anh cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay lớn lên trong môi trường âm nhạc đa dạng, tiếp cận với tinh hoa âm nhạc thế giới. Do đó, việc họ không mặn mà với âm nhạc dân gian là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, những năm gần đây, dòng chảy âm nhạc đương đại đang chứng kiến sự hồi sinh đầy bất ngờ của âm nhạc dân gian. "Rất nhiều ca sĩ trẻ, đặc biệt là ca sĩ nhạc nhẹ đã biết cách quay về đào sâu vào kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam để lấy chất liệu sáng tác những ca khúc của họ", Ngô Bá Lục nhận xét.
Theo đó, nhiều nghệ sĩ trẻ đã có những tác phẩm tạo nên tiếng vang nhờ sự kết hợp này. Điển hình như ca sĩ Hoàng Thùy Linh “ghi điểm” với khán giả nhờ việc khai thác chất liệu văn học dân gian vào nhạc phẩm "Bánh trôi nước". Những sáng tác sau đó như "Tứ phủ", "Duyên âm", "Kẻ cắp gặp bà già" của cô nàng tiếp tục thể hiện rõ nét văn hóa Việt Nam qua yếu tố truyền thống đặc sắc.
Với “À lôi”, rapper Double2T đã lồng ghép chất liệu hát ru của người Dao, người Thái vào những bản rap sôi động, tạo nên màu sắc âm nhạc độc đáo. Các bài rap của anh mang đậm bản sắc dân tộc, thường xuyên xuất hiện các điệu hát Then, tiếng đàn tính, kèn lá,… vừa giúp cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật hài hòa, vừa thu hút thị hiếu của khán giả trẻ.
Tương tự, ca sĩ trẻ Hà Myo cũng đã tạo ra sự kết hợp độc đáo giữa xẩm và nhạc hiện đại khiến cho giai điệu bài hát không chỉ trẻ trung, sôi động mà còn thấm đượm nét độc đáo, cuốn hút. Những MV như "Xẩm Hà Nội", "Xẩm xuân xanh", "Xẩm xuân chúc phúc", "Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội" đã giúp Hà Myo nhận được nhiều lời mời biểu diễn trên các sân khấu lớn.
Theo nhà báo Ngô Bá Lục, việc các nghệ sĩ trẻ khai thác chất liệu dân gian là một chiến lược thông minh. "Không phải ca sĩ nào cũng hát được những bài hát mang âm hưởng dân gian. Song, chính vì thể loại này khó nên khi các nghệ sĩ trẻ khai thác sẽ khiến cho sáng tác của mình trở nên đặc biệt và không có quá nhiều sự cạnh tranh", anh lý giải.
“Cầu nối” nghệ thuật đáng tin cậy
Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, nhà báo Ngô Bá Lục đề cao trách nhiệm của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thông qua kho tàng âm nhạc dân gian phong phú, đa dạng. "Báo chí cần phải có vai trò định hướng, là cầu nối và quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam”.
Anh khuyến khích không chỉ nghệ sĩ mà chính nhà báo cũng cần phải có kiến thức nhất định về chất liệu dân gian và âm nhạc nghệ thuật. Cũng theo anh, một nhà báo thực sự phải tìm hiểu kỹ lưỡng để so sánh, bình bàn và truyền tải thông điệp về những giá trị thiết thực khi người trẻ Việt chọn “thay áo mới” cho âm nhạc dân gian trong phạm vi, khuôn khổ nhất định. Điều này đảm bảo các sáng tác nghệ thuật vừa giữ được những lề lối cổ, vừa mang hơi thở của thời đại, phù hợp với xu hướng âm nhạc đang thịnh hành.
Cùng với tư duy sáng tác phá cách, hiện đại của những “cây mic trẻ” đa tài, dòng chảy âm nhạc dân gian đang trở lại mạnh mẽ và mang đến những luồng gió mới cho làng nhạc Việt. Nhà báo Ngô Bá Lục tin tưởng, với sự nỗ lực của các nghệ sĩ trẻ và vai trò quan trọng của báo chí, âm nhạc dân gian sẽ tiếp tục giữ được hồn cốt, đồng thời chinh phục nhiều trái tim của thế hệ khán giả hiện đại.
Hồng Hoa
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ngo-ba-luc-am-nhac-dan-gian-can-mot-hoi-tho-moi-nhung-phai-giu-duoc-hon-cot-a16224.html