Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới (Phần 1)

Trên nền tảng lý luận Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối, chính sách về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân và tổ chức thực hiện trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

24-02-2024-ve-su-dung-co-dang-va-hinh-anh-co-dang-cong-san-viet-nam-fe119635-details-1726279034.jpg
 
Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ảnh: Internet

Xác định được vai trò lịch sử của mình đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc, nên bất cứ trong giai đoạn lịch sử nào, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đều kiên định lấy giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường hòa bình và ổn định cho sự phát triển bền vững làm mục tiêu cao nhất của toàn bộ công cuộc bảo đảm, tăng cường quốc phòng và an ninh. Đó là xuất phát điểm quan trọng để xác định hệ thống quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam từ nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.

Khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội VI của Đảng (1986) đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”.

Mặt khác, “Trong khi không ngừng chăm lo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhân dân ta tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chế độ làm chủ tập thể, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa”. Đảng ta cũng xác định “nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo... Ổn định và phát triển gắn liền với nhau trong quá trình vận động tiến lên, ổn định để phát triển và có phát triển mới ổn định được”.

Như vậy, các mục tiêu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chế độ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển đã được xác định rõ ngay từ thời kỳ đầu đổi mới. Đó vừa là mục tiêu, vừa là quan điểm mang tính chiến lược, tổng quát mà các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phải đạt tới. Với sự phát triển không ngừng về mọi mặt của đất nước, thế và lực của nước ta đã mạnh hơn nhiều trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, môi trường quốc tế có nhiều biến động mạnh mẽ, xuất hiện cả thời cơ lẫn nguy cơ, thuận lợi và khó khăn đang đặt ra cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh những nhiệm vụ mới, trên nền tảng tư duy mới.

anh-ghep-toan-canh-dh-1716976525.jpg
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Do những vấn đề mới của thời đại và đặc điểm giai đoạn hiện nay, Đại hội XI của Đảng đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”.

Để thực hiện chiến lược quốc phòng - an ninh, Đại hội XI xác định nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, bao gồm: Một là, “tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”; hai là, “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”; ba là, “Phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận, khoa học an ninh nhân dân”.

Trong khi xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, Đảng ta vẫn luôn nhất quán thực hành những quan điểm lớn về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đó là: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc”; “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”.

Đối với các nhiệm vụ lâu dài và trước mắt của công tác đối ngoại của nước ta, Đảng ta cũng xác định là “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-thoi-ky-moi-phan-1-a16199.html