Hộ lý, điều dưỡng của Việt Nam được đánh giá cao tại Nhật Bản - Ảnh minh họa |
Nhật Bản chính thức tiếp nhận thực tập sinh (TTS) Việt Nam từ năm 1992 và hiện nay là một trong những thị trường lao động trọng điểm để Việt Nam đưa người lao động sang làm việc, chiếm trên 50% số lao động nước ngoài đến Nhật Bản làm việc.
Hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa hai quốc gia được thông qua các hình thức: Chương trình TTS kỹ năng; Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA); Chương trình lao động kỹ năng đặc định; Chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên; Lao động đóng tàu, xây dựng. Trong đó, hình thức chủ yếu và thực hiện lâu nhất là Chương trình TTS kỹ năng.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản, tính đến cuối tháng 12/2020, số TTS Việt Nam tại Nhật Bản là gần 210.000 người, chiếm 55% tổng số TTS nước ngoài tại Nhật Bản, làm việc tập trung chủ yếu ở các ngành: Cơ khí, gia công kim loại, dệt may, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, xây dựng, thợ hàn, nhựa...
Trong thời gian từ 3-5 năm thực tập tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường..., họ có nhiều cơ hội để tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là được rèn luyện trong môi trường kỷ luật lao động cao của Nhật Bản.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, số lượng TTS Việt Nam được phía Nhật Bản tiếp nhận không ngừng tăng. Đến nay, đã có trên 350.000 lượt thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng và khoảng 60.000 lao động kỹ sư, phiên dịch Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Riêng năm 2019, số lượng thực tập sinh Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản đạt 83.000 người, đưa Việt Nam trở thành nước phái cử TTS nhiều nhất trong 15 quốc gia phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản.
Chương trình Đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định VJEPA bắt đầu triển khai từ năm 2012, đến nay, đã có 1.340 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Đáng chú ý, qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã khẳng định được năng lực so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác, với tỉ lệ thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản hàng năm rất cao (37% với ứng viên điều dưỡng và 91% với ứng viên hộ lý), trong khi ứng viên của các nước khác chỉ đạt tỉ lệ thấp hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý.
Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa hai quốc gia triển khai từ năm 2016 đến nay phát triển đa dạng: Hợp tác với JAVADA trong đào tạo kỹ năng đánh giá cho giáo viên dạy nghề tại Việt Nam; Chương trình thúc đẩy hệ thống đánh giá kỹ năng nghề (SESPP); Dự án Hợp tác kỹ thuật về giáo dục nghề nghiệp sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại để giúp các trường nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý; Tổ chức xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo Mô hình giáo dục KOSEN tại các trường cao đẳng nghề của Việt Nam; Hỗ trợ xây dựng Chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhằm kết nối giữa người lao động với thị trường lao động để đi làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, đặc biệt chú trọng những ngành, nghề mà phía bạn đang cần nhiều lao động và những ngành, nghề Việt Nam đào tạo để đưa đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản như các nghề điều dưỡng, nhân viên chăm sóc sức khỏe…
4 giải pháp trọng tâm thúc đẩy hợp tác nguồn nhân lực
Sau nhiều tháng "đóng băng" vì đại dịch COVID-19, Nhật Bản là một trong 3 thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam (cùng với Hàn Quốc, Đài Loan) bắt đầu tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc từ tháng 11.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, từ ngày 8/11, Nhật Bản đã nới lỏng nhập cảnh cho một số đối tượng thuộc diện ưu tiên trong chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, trong đó có TTS và lao động Việt Nam.
Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đưa ra hướng dẫn sơ bộ về đối tượng TTS nhập cảnh theo lộ trình. Trước mắt, trong tháng 11, Nhật Bản chỉ tiếp nhận hồ sơ xin nhập cảnh đối với TTS được cấp tư cách lưu trú từ 1/1-30/6/2020. Tháng 12, tiếp nhận hồ sơ TTS được cấp tư cách lưu trú từ 1/1-31/12/2020. Tháng 1/2022, nhận hồ sơ TTS được cấp tư cách lưu trú từ 1/1/2020-31/12/2021. Từ tháng 2/2022, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh mà Nhật Bản sẽ cho nhận hồ sơ toàn bộ.
Theo ông Phạm Viết Hương, Chính phủ Nhật Bản tạm thời cho phép 3.500 người nhập cảnh/ngày. Dự kiến, cuối tháng 11 sẽ xem xét nâng lên 5.000 người/ngày. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phía bạn vẫn sẽ tiếp tục đưa ra hướng dẫn mới cho TTS nhập cảnh trong thời gian tới.
Để thúc đẩy hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực phái cử lao động sang thực tập kỹ năng, làm việc tại đây, Bộ LĐTB&XH đã đưa ra những giải pháp cụ thể và dự kiến bắt tay triển khai ngay để có thể đưa lao động đi Nhật Bản làm việc ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Thứ nhất, cơ quan chức năng hai nước cùng tiếp tục phối hợp tích cực, tăng cường cơ chế họp định kỳ, trao đổi thông tin, đẩy mạnh việc kiểm tra xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp hai nước để triển khai hiệu quả các chương trình thực tập sinh kỹ năng, lao động kỹ năng đặc định, kỹ sư, phiên dịch theo đúng quy định trong Bản Ghi nhớ hợp tác (MOC) và luật pháp hai nước.
Thứ hai, đề xuất Chính phủ Nhật Bản xem xét sớm cấp mới visa để thực tập sinh/lao động Việt Nam sớm được nhập cảnh theo kế hoạch; tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, TTS Việt Nam hết hạn hợp đồng chưa thể về nước có việc làm và thu nhập tối thiểu; hỗ trợ một phần sinh hoạt phí, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động bị mất việc làm chuyển đổi tư cách lưu trú thành “hoạt động đặc định” để TTS, lao động Việt Nam và doanh nghiệp sử dụng lao động vượt qua những khó khăn trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thứ ba, để bảo đảm quyền lợi, thu nhập tối thiểu cho lao động Việt Nam, đề nghị phía Nhật Bản xem xét việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập cho lao động, TTS Việt Nam như phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử lao động khác.
Thứ tư, tăng cường phổ biến thông tin trên nền tảng số hoá, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực Việt Nam, kết nối nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động với doanh nghiệp phái cử. Trên cơ sở đó, giảm thiểu, loại bỏ các chi phí trung gian mà người lao động phải chi trả; quản lý dữ liệu về người lao động từ trước khi xuất cảnh, làm việc ở nước ngoài cho đến khi kết thúc hợp đồng về nước.
Thu Cúc
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hop-tac-lao-dong-viet-nhat-nhieu-co-hoi-cho-nguoi-co-ky-nang-cao-a161.html