Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 362.612.507 ca, trong đó có 5.643.728 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động và thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục gây lo ngại về số lượng, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Ấn Độ, Nga và Bồ Đào Nha và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 400.000 ca), trong khi Nga cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 600 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 285.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 69 triệu ca và trên 95.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 26/1, thế giới có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 69 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.
Trong cập nhật tình hình COVID-19 hằng tuần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong tuần tính đến ngày 23/1/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 21 triệu ca mắc mới - mức cao nhất tính theo tuần kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên so với tuần trước đó, mức tăng là 5%, và theo WHO, tỷ lệ mắc mới đã tăng chậm hơn trên phạm vi toàn cầu. Cũng trong tuần trước, thế giới ghi nhận thêm gần 50.000 ca tử vong, mức tương đương một tuần trước đó.
Báo cáo cho thấy Omicron tiếp tục "áp đảo" các biến thể đáng quan ngại khác trên phạm vi toàn cầu. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp WHO còn dự báo trong năm nay sẽ có nhiều phương pháp mới điều trị COVID-19 và biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 sẽ có khả năng lây lan cao hơn nữa vì chúng phải “vượt mặt” các biến thể đang hoành hành hiện nay. Một điểm đáng lưu ý là phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) mà các nhà khoa học gọi là "Omicron tàng hình" đã xuất hiện ở châu Âu và châu Á, nay bắt đầu "lộ diện" tại Mỹ.
Với sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, nhiều nước châu Âu lại trải qua một ngày buồn khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục trong ngày 26/1. Nga thông báo có thêm 74.692 ca mắc mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc lên 11.315.801 ca. Số người tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc đã lên 328.105 người sau khi có thêm 657 người không qua khỏi.
Viện Robert Koch (RKI) của Đức ngày 26/1 thông báo trong 24 giờ qua, trên cả nước Đức ghi nhận 164.000 ca nhiễm mới, vượt mức kỷ lục trên 140.000 ca ghi nhận cuối tuần trước, và 166 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình trong 7 ngày qua lên mức 951,4/100.000 dân, mức cao nhất kể từ đầu dịch tới nay và tăng mạnh so với mức 584,4 một tuần trước.
Thụy Điển cũng ghi nhận dấu mốc buồn với 44.944 ca mắc mới trong ngày trước đó, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren cho biết nước này sẽ kéo dài các biện pháp chống dịch thêm 2 tuần.
Nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, CH Séc, Hungary, Bulgaria và Romania cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Bulgaria ngày 25/1 ghi nhận 12.399 ca mắc mới, trong khi CH Séc có thêm 39.614 ca. Hungary cũng báo cáo số ca mắc ở mức cao mới trong ngày 26/1 với 20.174 ca, nâng tổng số ca mắc lên 1.471.276 ca.
Bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Đan Mạch và Áo ngày 26/1 đã trở thành những quốc gia mới nhất nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19, sau các quyết định tương tự của Anh, Ireland và Hà Lan. Chính phủ Áo cho biết các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ sẽ kết thúc vào ngày 31/1 tới trong bối cảnh các bệnh viện đã giảm tải áp lực.
Trong khi đó, Chính phủ Đan Mạch có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19, như đeo khẩu trang hay yêu cầu các các quán bar và nhà hàng đóng cửa sớm, từ ngày 1/2 tới.
Trong tuần này, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết nước này sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế được cho là nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Cụ thể, từ ngày 26/1, các quan bar, nhà hàng có thể mở cửa trở lại phục vụ khách hàng có giấy chứng nhận tiêm chủng, song phải giảm công suất hoạt động.
Những khách hàng không ngồi vào bàn thì phải đeo khẩu trang. Các rạp chiếu phim, rạp hát và viện bảo tàng cũng sẽ được mở cửa trở lại, nhưng các câu lạc bộ ban đêm vẫn phải đóng cửa. Các quy định cách ly đối với trường học cũng sẽ được nới lỏng, với các lớp học sẽ không còn phải đóng cửa nếu có từ 3 người mắc COVID-19 trở lên và các đối tượng dưới 18 tuổi không còn phải cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh.
Tình hình dịch bệnh cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Á. Tại Nhật Bản, số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục lập đỉnh, làm gia tăng áp lực y tế tại thủ đô Tokyo. Theo số liệu mới cập nhật chiều 26/1, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Nhật Bản đã lên mức cao nhất trong ngày thứ hai liên tiếp khi lần đầu vượt mốc 70.000 ca/ngày, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế của thủ đô Tokyo đã vượt quá 40%.
Trong ngày 26/1, các địa phương trong cả nước đã ghi nhận 71.523 ca mắc mới, trong đó, thủ đô Tokyo ghi nhận con số cao nhất với 14.084 ca, tăng hơn 2.000 ca so với ngày 25/1.
Hàn Quốc ngày 26/1 thông báo có thêm 13.012 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 762.983 ca. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp ứng phó nhằm khống chế đà lây lan của biến thể Omicron.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 51.771 ca mắc mới COVID-19 và 251 ca tử vong.
Tới hết ngày 26/1, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 16.336.500 trường hợp và 312.978 ca tử vong. Trong ngày 26/1, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 15.000 ca) và ca tử vong (155 ca) cao nhất khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và số ca mắc mới của các nước trong khu vực có chững lại so với mấy ngày gần đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á phải tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đều giảm đáng kể.
Ngày 26/1, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca bệnh mới ở mức cao với 15.789 ca bệnh, xấp xỉ Việt Nam. Trong khi đó, với 155 ca tử vong, Việt Nam là nước có số người thiệt mạng vì COVID-19 cao nhất trong một ngày qua ở Đông Nam Á.
Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 26/1 ghi nhận thêm trên 7.000 ca bệnh mới và 19 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 22 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 131.000, số ca mắc mới trên 500 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 4 trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Thanh Tuấn/Báo Tin tức