Nắm vững nguyên tắc chỉ đạo trong tổ chức hoạt động quốc phòng - an ninh (Phần 1)

Trong quá trình tổ chức thực tiễn quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đã có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng các bộ, ngành thuộc lĩnh vực kinh tế.

25022022-kinhtebien-1715008038.jpg
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển. Ảnh: Internet

Đồng thời, giữa các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tích cực hỗ trợ lẫn nhau, chủ động hiệp đồng, tạo sự gắn kết, đồng thuận. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh đã được thực hiện trên từng vùng lãnh thổ, các lĩnh vực và ngành kinh tế - xã hội; trong đó đã chú trọng gắn Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển, đảo; gắn xây dựng các dự án kinh tế trọng điểm quốc gia, các khu kinh tế mở, khu chế xuất tập trung với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) trên phạm vi cả nước.

Cùng với đó là sự chú trọng nâng cao hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa trên cơ sở lấy xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế do Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện làm nền tảng. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện rõ rệt không chỉ ở đồng bằng, thành phố mà cả ở các vùng miền núi, vùng xa xôi, hẻo lánh, do đó đã tăng được khả năng cơ động chiến đấu và bố trí lực lượng vũ trang. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế và quốc phòng - an ninh, quy chế bảo vệ các công trình quốc phòng, quân sự được xây dựng và từng bước hoàn thiện, tạo thuận lợi triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh. 

Việc phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo cơ sở xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh bằng chính khả năng của nền kinh tế, và nền kinh tế cũng nhờ đó phát triển nhanh, ổn định.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả Trung ương và địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã gắn kết với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, tạo điều kiện tốt hơn cho việc tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, vũ khí, khí tài cho quốc phòng an ninh.

f7d0d3f1-43ea-4d4d-8732-7de6067dd11c-1715008116.png
Các chiến sĩ tham gia lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: VnEconomy

Công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đã gắn kết hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tiềm lực quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là trên các địa bàn, các lĩnh vực trọng yếu; nhờ đó đã duy trì ổn định chính trị - xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn có những mặt yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại các vùng chiến lược, biển, đảo còn chưa chặt chẽ. Công nghiệp quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng yêu cầu trang bị cho các lực lượng vũ trang”.

Đại hội XII cũng nhấn mạnh: “Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn có lúc, có nơi chưa chặt chẽ”. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân dối vĩ mô chưa thật vững chắc; kết cấu hạ tầng phát triển chậm, chất lượng thấp; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.

Văn hóa, xã hội có nhiều mặt còn bất cập, nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ chưa thực sự là quốc sách hàng đầu. Hội nhập quốc tế nhanh nhưng chưa tận dụng tốt cơ hội để phát triển cũng như hạn chế mặt trái của hội nhập.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nam-vung-nguyen-tac-chi-dao-trong-to-chuc-hoat-dong-quoc-phong-an-ninh-phan-1-a15710.html