Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh

Sáng 17/4, tại Hà Nội, báo Điện tử VOV tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”. Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế của Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn, có ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; ông Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH&CN;…

Ngoài ra, còn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu, khách mời, lãnh đạo các bộ ban ngành, tập đoàn, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

do-tien-sy-1713518231.JPG
Ông Đỗ Tiến sỹ, Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho rằng: Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: Phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát từ việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm tính đa dạng của hệ sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến, và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững. Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển dịch để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững đất nước” và phát triển kinh tế xanh.

Trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch hành động và chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, về Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, và Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2023...

ta-thi-yen-1713518597.JPG
Bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy Ban thường Vụ Quốc hội, phát biểu khai mạc diễn đàn

“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Nhà nước đã có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính... Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới gắn với các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030) đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số… Chính vì vậy, cần thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ thách thức khó khăn, vướng mắc; đồng thời gợi mở, đề xuất những cơ hội, chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững tại Việt Nam.

toan-canh-1713518931.JPG
Toàn cảnh diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - khẳng định: Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tích cực đồng hành và hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường tăng trưởng xanh, cùng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng chung cho các dân tộc trên thế giới. 

Xuyên suốt Diễn đàn, các đại biểu đồng nhất ý kiến khẳng định cần coi kinh tế số và kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và con đường để Việt Nam đột phá, hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia để hiện thực hóa tầm nhìn. Cần có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh với mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Cần xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, mạch lạc cho tăng trưởng xanh. 

Nguyễn liên

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tap-trung-day-manh-phat-trien-kinh-te-xanh-a15659.html