Nhu cầu tuyển dụng lớn
Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, thị trường lao động thành phố có 2 kịch bản tùy vào diễn biến của dịch.
Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, các DN cần tuyển 280.000 - 310.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực của quý I/2022 là gần 87.000 người, con số này ở quý II trên 72.000; quý III gần 74.000 và quý IV khoảng 77.000. Trong trường hợp dịch vẫn phức tạp, nhu cầu nhân lực của thành phố khoảng 255.000 - 280.000 người. Trong đó, cao nhất là 3 tháng đầu năm với trên 78.000 lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều. Bởi, các DN chưa trở lại hoạt động 100% (hiện có khoảng 70 - 75% DN, 50 - 60% lượng lao động so với trạng thái bình thường). Mặt khác nhiều DN đã có chính sách giữ chân người lao động.
Theo Bộ này, tuy nhiên, vào khoảng tháng I/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất.
Vì vậy, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi các DN được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.
Giữ chân nLĐ
Nhận định về thị trường lao động Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt là vào đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội cho biết, theo quan sát của đơn vị này, với sự kết hợp các biện pháp thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch theo Nghị quyết 128, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, thị trường lao động Thủ đô dự kiến sẽ tiếp tục khởi sắc và sôi động trở lại.
Nhận định về việc thiếu hụt lao động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội đánh giá đến thời điểm này, có thể dự báo trên địa bàn Hà Nội sẽ không quá thiếu hụt lao động trong thời gian tới hoặc nếu có thì không đáng kể.
Hiện thành phố vẫn đang trong quá trình kiểm soát tốt dịch bệnh dù số lượng các ca nhiễm mới tăng lên.
Cùng với tốc độ tiêm chủng vaccine nhanh, mặt khác các DN hiện nay đã chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ an toàn cho người lao động, những yếu tố này sẽ thu hút người lao động tiếp tục quay trở lại thị trường, nhất là số lao động trước đây đã dịch chuyển về quê.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang cho hay, 2 năm trở lại đây, trên địa bàn của tỉnh ít có trường hợp người lao động ồ ạt nghỉ việc sau Tết Nguyên đán. Sau Tết, lao động khu vực sản xuất ổn định, không bị thiếu hụt, biến động nhiều.
“Theo nắm bắt của chúng tôi, thị trường lao động của tỉnh ổn định. Chỉ có lao động đi làm việc khu vực phía Nam về quê mà thấy công việc ở quê phù hợp thì họ sẽ xin ở lại làm việc. Sau Tết một số DN đầu tư vào tỉnh, nên chỉ thiếu lao động làm công tác xây dựng, hoàn thiện công trình” - ông Huế nói.
Khuyến cáo của Bộ LĐTBXH, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu có các giải pháp, chính sách hỗ trợ DN và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động.
Cụ thể, cần có các chế độ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người lao động yên tâm sản xuất. Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp nên thực hiện các biện pháp nhằm “giữ chân” lao động như chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua các nhóm trên mạng xã hội, Internet với người lao động.
DN cũng cần thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động như trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương, áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để “giữ chân” lao động…
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/doanh-nghiep-khong-nen-qua-lo-ngai-viec-thieu-hut-lao-dong-sau-tet-a1563.html