Đường lối của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh (Phần 1)

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định kinh tế - xã hội phát triển, tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc không chỉ tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực kinh tế cho tăng cường tiềm lực quốc phòng, mà còn tạo cơ sở chính trị - xã hội thuận lợi cho việc nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

hanoi-1713800128.jpg
Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định kinh tế - xã hội phát triển, tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc không chỉ tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực kinh tế cho tăng cường tiềm lực quốc phòng, mà còn tạo cơ sở chính trị - xã hội thuận lợi cho việc nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Sự ổn định và phát triển bền vững đặt ra yêu cầu về tăng trưởng kinh tế phải trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với phát triển hài hòa về văn hóa, thực hiện công bằng xã hội.

Cùng với việc nhấn mạnh ảnh hưởng tích cực của phát triển kinh tế - xã hội đối với quốc phòng - an ninh, Đảng ta không hề coi nhẹ vai trò của quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình cần gắn với đổi mới tổ chức hoạt động thực tiễn trong quán triệt, thực hiện đường lối của Đảng, nắm vững những nguyên tắc chỉ đạo tổ chức hoạt động thực tiễn quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội lần thứ IX của Đảng xác định: “Kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh phát triển, cạnh tranh và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”. Đại hội lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: Xây dựng đất nước, phát triển kinh tế là trung tâm, là tiền đề, cơ sở để củng cố quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc; củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh là điều kiện giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội...

screenshot-95-1713800129.png
Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Ảnh: Internet

Đến Đại hội XI, Đảng tiếp tục khẳng định: Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”.

Văn kiện Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”.

Nhận thức về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã có những chủ trương nhất quán về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng ninh, chủ trương đó không ngừng được đổi mới, phát triển, hoàn thiện cả lý luận và thực tiễn. Đại hội lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cũng đã khẳng định: “Phải đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/duong-loi-cua-dang-ve-ket-hop-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-voi-tang-cuong-quoc-phong-an-ninh-phan-1-a15601.html