Chiến tranh, hòa bình và những vấn đề mới đặt ra (Phần 1)

Bên cạnh những thuận lợi, thực tế đang đặt ra cho chúng ta những thách thức lớn đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào.

toan-canh-dh-anh-to-1713799206.jpg
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội từ ngày 20 đến 28/1/2016. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã dự báo: “Trên thế giới, trong những năm tới tình hình sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng.

Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực... Tình hình chính trị an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng,... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực... Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới.

Đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp. ASEAN trở thành Cộng đồng, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài”.

Trong nước, thời gian tới nước ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới, khu vực. Bên cạnh những thuận lợi, thực tế đang đặt ra cho chúng ta những thách thức lớn đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào.

Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại; tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng; các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta; trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp.

Các yếu tố trên tác động rất lớn không chỉ đến phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đến xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, đến lực lượng tiến hành và khả năng đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh và chống chiến tranh.

Vì vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh là yêu cầu tất yếu, khách quan, đòi hỏi cần được nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn cả về lý luận và thực tiễn, phải tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc năng động hơn với một tư duy đổi mới toàn diện, đồng bộ, nhất quán về mục tiêu, quan điểm, chủ trương, nội dung, phương thức và giải pháp tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chien-tranh-hoa-binh-va-nhung-van-de-moi-dat-ra-phan-1-a15600.html