Diễn đàn nhằm trao đổi, thảo luận về thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX; mức độ HTX tham gia chuỗi giá trị; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, qua đó thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 31.764 HTX, trong đó 20.960 HTX nông nghiệp (tăng 250 HTX so với cuối năm 2023) và 10.804 HTX phi nông nghiệp (tăng 150 HTX so với cuối năm 2023); 133 LHHTX, trong đó có 100 liên hiệp HTX nông nghiệp (chiếm 75,2%) và 33 liên hiệp HTX phi nông nghiệp (chiếm 24,8%); 120.983 THT, trong đó 76.456 THT nông nghiệp, 44.497 THT phi nông nghiệp.
Đã có hơn 4.000 HTX tham gia sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, chiếm gần 13% trong tổng số HTX cả nước và cũng có khoảng 30% trong tổng lượng sản phẩm OCOP trên cả nước là sản phẩm của HTX nông nghiệp. Khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 10%, doanh thu tăng thêm 15 - 20%. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.
Qua thực tiễn có thể khẳng định rằng, hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trên cả nước. Bởi những cá thể, hộ nông dân nhỏ lẻ ít có khả năng sản xuất đi hết các bước của một chuỗi giá trị, và lợi nhuận từ khâu sản xuất theo quy mô hộ cũng thấp hơn so với HTX. Chỉ có HTX mới có khả năng liên kết người dân và doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại giá trị, lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ để phát triển bền vững như: Hoạt động của các HTX trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể; tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất chung; các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng; khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như chính sách hỗ trợ về liên kết chuỗi, chính sách tiếp cận vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu quan điểm chỉ đạo: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố, phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” và “có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Nghị quyết số 20-NQ/TW nhấn mạnh: Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên;
Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Tại diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - khẳng định: Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào liên kết chuỗi giá trị, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách về ưu đãi tín dụng, HTX được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, HTX còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay theo Điều 16, Nghị định 55/2015/NĐ-CP.
Thời gian qua, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng... Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc thực hiện liên kết do không tìm được HTX nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên doanh nghiệp phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HXT thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của hợp tác xã về trình độ quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho thành viên áp dụng quy trình công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX; trong đó, doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy HTX tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua HTX. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; rà soát và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp và liên kết.
Tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” lần này, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX, mức độ HTX tham gia chuỗi giá trị, trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ để các HTX tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị thời gian tới.
Đồng thời, đề xuất được những giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới; tạo động lực để khu vực kinh tế tập thể bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Liên
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-cho-htx-thuc-day-phat-trien-ben-vung-chuoi-gia-tri-san-pham-a15545.html