Diễn đàn được tổ chức nhằm thực hiện Chương trình Công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô năm học 2023 - 2024; Chào mừng kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2024); Thực hiện chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Tham dự Diễn đàn, về phía đại biểu, chuyên gia cấp Trung ương, có bà Nguyễn Thị Nga, Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng... Về phía TP. Hà Nội, có chị Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; anh Đào Đức Việt, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố…
Phát biểu tại Diễn đàn, anh Đào Đức Việt, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố, cho biết: Hiện nay, bạo lực học đường là một vấn đề mà các ban ngành rất chú trọng. Theo thống kê, hàng năm có hơn 85% vụ bạo lực học đường xảy ra ở TP. Hà Nội, đặc biệt là tồn tại ở các khối lượng khối THCS và THPT...
Căn cứ điều kiện thực tế, Thành đoàn - Hội đồng Đội Thành phố chỉ đạo triển khai mô hình Diễn đàn Trẻ em tại các cơ sở Đoàn - Đội và địa phương trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các đại biểu thiếu nhi tại Diễn đàn, ngoài các ý kiến được giải đáp, hỗ trợ, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các em, để đề xuất các Sở, ngành, tổ chức liên quan cùng phối hợp giải quyết.
Sau khi được giải đáp, tư vấn và chia sẻ, các bạn thiếu nhi đã ý thức được việc cần trang bị cho mình những hiểu biết về pháp luật, mạnh dạn, tự tin hơn trong việc bảo vệ bản thân, có kiến thức và có kĩ năng ứng xử với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trong nhà trường; kĩ năng xây dựng nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, ứng xử góp phần xây dựng hình mẫu “Thiếu nhi Thủ đô thanh lịch, văn minh”…
Xuyên suốt Diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh 03 nhóm vấn đề: “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; “Giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh trong trường học, nơi công cộng và môi trường mạng xã hội hiện nay”; Các vấn đề liên quan đến học tập, tham gia các hoạt động sinh hoạt tại Liên đội và địa bàn dân cư; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Tại chương trình, nhiều bạn học sinh đã đưa ra những câu hỏi, ý kiến thiết thực như: Trong lớp có bạn chép bài mà mình không cho chép, bạn ấy không chơi với mình thì phải làm sao; Một bạn trong nhóm bạn thân chơi thân với nhau, bỗng dưng một ngày nào đó bạn ấy chơi với nhóm khác, cô lập mình thì làm thế nào; Có một vài bạn bạo lực ngôn từ với nhiều bạn khác mà bạn ấy không biết là sai, mình phải làm thế nào để phân tích cho bạn ấy hiểu…
Cũng theo các chuyên gia, hiện có nhiều hình thức bạo lực học đường: Bạo lực “nóng” là hình thức đánh, đấm mà ta nhìn thấy được; Bạo lực “lạnh” là hình thức bạo lực về tinh thần, không giao tiếp, chia sẻ với người khác, hhình thức này xảy ra nhiều trong trường học. Để tránh nội dung này, thời gian qua, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức nhiều diễn đàn trẻ em, các hoạt động Đội trong nhà trường để lắng ý kiến nghe trẻ em, học sinh. Cách để giải quyết mọi vấn đề bạo lực học đường nhanh chóng và thiết thực nhất là chia sẻ, chuyện trò với bố mẹ, thầy cô, người thân.
Cần thấy rằng, bạo lực học đường đã và sẽ để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng và chúng ta cần phải có những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ vấn nạn này. Để làm được điều đó, trước hết, bản thân mỗi người cần có những nhìn nhận đúng đắn về hành vi của mình, có cách điều chỉnh và rèn luyện bản thân theo những hướng tích cực hơn. Cần có sự quan tâm, giáo dục, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình và nhà trường, giúp mỗi học sinh nâng cao ý thức, nhận thức đúng đắn về mối nguy hại của bạo lực học đường. Chúng ta cần có những biện pháp, nội quy nghiêm ngặt để xử lý việc gây ra bạo lực học đường…
Bạo lực học đường tuy không phải là vấn đề mới nhưng nó có ảnh hưởng cũng như tác động xấu đối với toàn xã hội, vì thế mỗi bạn thiếu nhi, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy luôn có ý thức học tập rèn luyện, trau dồi đạo đức trở thành con ngoan - trò giỏi - bạn tốt - thành người có ích cho xã hội, nâng cao ý thức của chính mình cũng như những người xung quanh để ngăn chặn hành vi bạo lực, trả lại cho học đường môi trường phát triển lành mạnh.
Nguyễn Liên
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xay-dung-tinh-ban-dep-noi-khong-voi-bao-luc-hoc-duong-a15444.html