Giữa trưa ngày cận Tết, ông Hoàng Công Trí (ngụ tại TP Đà Lạt) đang cặm cụi lặt lá cho những chậu hoa oải hương thơm ngào ngạt ở một góc vườn. Thu nhập từ công việc chăm sóc hoa giúp ông nuôi các con ăn học nên người và thêm yêu cuộc sống.
Người đàn ông 57 tuổi bộc bạch: "Hơn 20 năm qua, công việc này đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Điều quan trọng nhất để tôi quyết định gắn bó với vườn hoa đến tuổi này là bởi tôi rất yêu nghề, yêu hoa!".
Tương tự ông Trí, ông Vũ Hoài Bảo (50 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) cũng gắn bó với vườn hoa hồng 25 năm nay vì thích khí hậu mát mẻ, có thể ngắm những bông hoa tươi thắm và hương thoang thoảng suốt cả ngày. Mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng từ công việc này, đủ để ông lo cho cuộc sống và dành dụm được chút đỉnh.
Còn chị Nguyễn Thị Phương Nhung (32 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng) cho biết, chị đã làm việc tại vườn hoa được 6 năm, thu nhập trung bình khoảng 8 triệu/tháng. Công việc hằng ngày của chị là trồng và chăm sóc hoa từ 7h sáng đến 4h chiều, nghỉ trưa 1 tiếng, giải lao 30 phút.
Theo chị Nhung, cũng như các ngành nghề khác, việc chăm sóc hoa có những thuận lợi và khó khăn riêng. Tuy nhiên, chị cho rằng công việc này đã có sẵn các quy trình của công ty, còn việc nó dễ hay khó tùy thuộc vào cách nhìn và kinh nghiệm của từng công nhân. Thậm chí, mọi người đều có thể sáng tạo ra những cách làm tiến bộ hơn để bản thân đỡ cực nhọc.
Công việc và cuộc sống của những công nhân chăm sóc hoa ở Đà Lạt từng ngày trôi qua bình yên như chính khung cảnh của vùng đất này. Và rồi dịch Covid-19 ập đến, cuộc sống công nhân bắt đầu có không ít xáo trộn.
Tuy nhiên, các công nhân chia sẻ, họ cảm thấy may mắn vì thu nhập của họ suốt mùa dịch vẫn ổn định, không bị cắt giảm. "Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, thực tế công ty không tiêu thụ được nhiều hoa nhưng vẫn tạo điều kiện cho công nhân viên làm việc và không hề ảnh hưởng đến thu nhập của chúng tôi", chị Nhung tâm sự.
"Bán được nhiều hoa là chúng tôi hạnh phúc"
Theo đại diện một đơn vị cung cấp hoa lớn nhất Lâm Đồng, trong đợt dịch Covid-19, công ty đã phải tiêu hủy trên 100 triệu cành hoa. Nhiều công nhân khi chứng kiến cảnh hoa bị hủy bỏ hàng loạt đã không cầm được nước mắt. Dù khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì mọi chính sách lương, thưởng Tết năm nay vẫn giữ nguyên như năm ngoái. Cụ thể, công nhân vẫn nhận lương tháng 13 và mức thưởng Tết bằng 50% lương tháng.
Dịp Tết 2022, đơn vị này dự kiến sẽ cung cấp khoảng 10 triệu cành hoa cho thị trường, trong đó có khoảng 7 triệu cành hoa cúc chùm và đơn các loại. Giá bán trung bình các mặt hàng hoa tăng khoảng 10-15% so với ngày thường. Tuy vậy, lượng hoa bán ra cho đến nay vẫn còn khá khiêm tốn.
Tương tự, tại các nhà vườn ở TPHCM, lượng hoa bán ra cũng khá chậm. Nhiều chủ vườn hoa ở phường Thới An, quận 12 và xã Tây Thạnh, huyện Củ Chi... đã chủ động giảm diện tích trồng 30 - 40% nhưng đến nay vẫn còn dư 80% các loại hoa.
Ghi nhận tại chợ hoa bến Bình Đông, chợ hoa Thủ Đức, Bình Tân... lượng khách mua hoa cũng rất ít. Nhiều tiểu thương đầu tư gần 2.000 chậu hoa các loại nhưng mỗi ngày chỉ bán được vài chậu, thậm chí có người chưa bán được chậu nào.
Trước tình hình hoa "ế", chị Nguyễn Thị Mỹ Kiều (34 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) cho biết: "Chị không lo lắng về chuyện thưởng Tết. Năm nay chỉ cần bán được nhiều hoa là chị em công nhân chúng tôi vui lắm rồi".
Còn chị Nguyễn Thị Phương Nhung bày tỏ, 2 năm nay chứng kiến số lượng lớn hoa phải tiêu hủy hoặc xay ra làm phân bón vì không bán được nên rất thấp thỏm, lo lắng. Không phải chị lo thưởng Tết ít mà lo hoa lại tiếp tục phải đập bỏ.
"Cành hoa là công sức chăm sóc của chúng tôi. Nhìn hoa thu hoạch rồi phải chuyển qua làm phân hữu cơ, chúng tôi buồn vì công ty mất thu nhập và tiếc cho công chăm sóc từng cây của chính mình. Mong hoa sẽ được chưng ở mọi gia đình dịp Tết".
Xuân Hinh-Phương Nhi
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nghe-luong-chi-8-trieu-khong-mong-thuong-tet-cao-nhung-thom-tho-ca-ngay-a1541.html