Câu chuyện huyền thoại về thuyền trưởng tàu không số mang số hiệu 41

Vũng Rô (xã Hòa Đông Nam - Thị xã Đông Hòa - tỉnh Phú Yên) là một trong những chiến tích quan trọng trên cung đường lịch sử - đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ tháng 11/1964 đến 02/1965, tại bến Vũng Rô đón chuyến tàu không số đầu tiên mang số hiệu 41 do Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh chỉ huy cập bến và sau đó là 3 chuyến tiếp theo.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, sinh năm 1934, hiện ở phường 3, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Hồ Đắc Thạnh là thuyền trưởng Tàu không số, gắn liền với các chuyến tàu chở vũ khí vào bến Vũng Rô.

Huyền thoại Tàu không số

Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường quan trọng của ta trong việc vận chuyển vũ khí vào miền Nam, những con tàu không số chứa ẩn nhiều vấn đề mà chúng ta càng tìm hiểu thì càng có nhiều cái khó hiểu. Gọi là tàu không số không phải vì tàu không có số, con tàu tôi điều khiển mang số 41 trong đăng ký lý lịch nhưng vì lí do để tránh địch trên đường đi thì chúng tôi phải thay đổi thành nhiều con số khác nhau. Qua mỗi vùng biển, tuỳ theo tình hình khu vực, quốc gia đó thì chúng tôi lại thay số và đổi cờ. Con tàu số 41 nếu đi trong vùng tàu cá thì tôi sẽ thay đổi thành tàu cá, nếu đi cạnh tàu vận tải thì sẽ biến hoá thành tàu vận tải. Còn nếu cần thiết nữa, gặp tàu dầu thì tôi sẽ treo cờ hoá chất và ghi chữ cấm lửa trên tàu. Như vậy buộc tất cả các phương tiện khác dù có gặp thì cũng không quan tâm đến bởi luật lệ trên biển khi thấy tàu đang làm nhiệm vụ nào đó mà có khả năng gây tai họa đến bản thân thì họ sẽ tự tránh xa.... nên tên gọi tàu không số có nghĩa là như vậy.

vung-ro-3-1711960956.gif
Tàu HQ-671 là con tàu “không số” duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641. (Ảnh: tư liệu)

Đối với bến Vũng Rô, đây là một bến rất đặc biệt khi Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định đưa tàu vào Vũng Rô đã phải cân nhắc rất nhiều. Vũng Rô lúc bấy giờ như lòng chảo khi xung quanh toàn bộ là núi, trên đèo Cả là một đồn địch, ngoài kia là rada Chóp Chài và xa xa hơn nữa ngoài biển là rada Cù Lao Xanh. Nhưng tình hình vũ khí của Quân khu V lúc này rất cấp bách nên sau khi tình hình vũ khí của miền Tây Nam Bộ tạm ổn thì bên trên nghĩ ngay đến chi viện cho Quân khu V.

Trở về nơi ra đi

Vào bộ đội từ năm 16 tuổi, từng chiến đấu chống Pháp ở Phú Yên. Năm 1954, ông Hồ Đắc Thạnh tập kết ra Bắc. Sau đó, ông được đào tạo sĩ quan rồi được giao nhiệm vụ làm thuyền phó, thuyền trưởng Tàu không số, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Với thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, 3 chuyến Tàu không số cập bến Vũng Rô thành công, đưa vũ khí và lương thực về quê hương Phú Yên là điều không thể nào quên.

vung-ro-8-1711960956.jpg
Vịnh Vũng Rô ngày nay

Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh kể lại “Tôi là người sinh ra ở thị xã Tuy Hoà, khi làm thuyền trưởng, sau 7 lần vận chuyển vũ khí vào miền Tây Nam Bộ, cứ mỗi lần đi qua miền Trung thì tôi lại mong đó là miền Tây, nơi đó là quê hương và ao ước có một ngày mình sẽ chỉ huy tàu đưa vũ khí vào quê hương của mình. Đến tháng 11/1964, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng gọi tôi lên và giao nhiệm vụ chuẩn bị chỉ huy tàu chở vũ khí vào khu V chứ chưa nói cụ thể, tôi vừa nghe đã mừng rỡ. Đến lần gọi thứ 2, tôi được nhận nhiệm vụ chính thức chở vũ khí vào bến Vũng Rô.

vung-ro-1-1711960955.jpg
Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh tại một buổi nói chuyện ở Vũng Rô

Bến Vũng Rô được chọn làm địa điểm nhận vũ khí vì thứ nhất là không phụ thuộc vào thủy triều. Những lần tôi đi vào miền Tây bao giờ cũng bị phụ thuộc vào con nước. Thủy triều miền Tây rất ghê gớm, khi nước dâng thì dâng lên cuồn cuộn và khi rút thì rút như thác đổ, chậm một chút thôi là cũng nguy rồi. Ưu điểm của Vũng Rô là vào bất cứ thời điểm nào thì đều có thể cập bến. Thứ 2, đây là sơ hở của địch vì địch nghĩ đây là vùng mà ta không thể nào tiếp cận vì địch đã bao vây nghiêm ngặt. Bảo vệ bờ biển có 03 tuyến tuần tiểu hoạt động dày đặc. Phía trong gần bến khoảng 03 hải lý thì hải vệ luân phiên chạy tuần tra, từ 03 hải lý đến 10 hải lý thì hải quân ngụy với khoảng 1,500 chiếc tàu canh chừng và khi ra ngoài khơi thì là lực lượng hải quân Mỹ với rất nhiều tàu quân trục, tàu chiến,… thêm vào đó, trên bầu trời là máy bay và các trạm rada trên núi.

Trong khi đó, nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ giao hàng chứ không phải đánh giặc nên trên tàu chúng tôi chỉ trang bị 12 ly 7, còn địch thì dùng pháo 76 ly 2. Dù vậy thì tôi vẫn rất mừng khi nhận nhiệm vụ cho quê hương nên luôn quyết tâm cố gắng hoàn thành nhiệm vụ này.

vung-ro-5-1711960956.jpg
Thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại Vũng Rô

Khi tàu vào đến vùng biển Bình Định, Quảng Ngãi thì máy bay địch bắt đầu theo dõi, tôi chỉ đạo anh em lấy những xô cá đã chuẩn bị sẵn xâu lên phơi. Những xô cá này thật ra là được Nhà máy cá hộp Hạ Long chuẩn bị trước chứ tàu chúng tôi làm sao mà đánh bắt cá được. Phơi cá xong thì cho anh em ra ngồi vá lưới và tôi thì bắt đầu treo cờ ba que. Mọi hành động của chúng tôi thật ra là để đánh đố địch, đến lúc buộc phải treo cờ ba que lên thì chúng tôi vô cùng đau lòng nhưng vẫn phải làm. Một lúc sau, hai chiếc tàu chiến từ trong bờ chạy ra rất nhanh, cách chúng tôi 01 hải lý thì bắt đầu dừng tốc độ và đi vòng quang thăm dò, tất cả súng của bọn nó đã mở bạt hết và chĩa vào tàu tôi, lúc đó chỉ cần sơ hở một chút nhỏ thôi thì khả năng chúng tôi bị bại lộ là 100%. Trong tình hình đó, những anh em trong khoang tàu cũng đã sẵn sàng giương ngòi những khẩu 12 ly 7 qua khe cửa để chống trả, còn tôi cố bình tĩnh, từ từ đi, làm tất cả mọi thứ một cách tự nhiên nhất. Một tiếng sau thì hai tàu chiến quay đầu bỏ vào bờ. Bắt đầu từ đó, tôi từ 120 hải lý lách tránh tất cả các tuyến tuần tiểu của địch vào đến bến Vũng Rô vào lúc 23 giờ 50 phút”.

Quyết hy sinh, không để lộ bí mật

Trước khi gặp, bao giờ tàu và bến cũng có một ám hiệu lẫn nhau qua cơ quan Bộ Tổng tham mưu nhưng khi tôi vào đến bến rồi thì không nhận được tín hiệu nào. Hơn nữa, trước khi đi là chúng tôi đã nghiên cứu hải trình, nghiên cứu đèn Mũi Điện chiếu sáng khoảng 25 hải lý, nhưng khi tàu vào đến 20 hải lý rồi mà vẫn không thấy đèn chiếu sáng. Tôi có nhiều nghi vấn, quyết định đi một vòng thì phát hiện Hòn Nưa, tôi chắc chắn Vũng Rô là đây.

vung-ro-2-1711960956.jpg
Tàu không số vượt đêm đen vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường khu V và Tây Nguyên cập bến Vũng Rô. (Ảnh:  tư liệu)

Vì không bắt được tín hiệu với bến nên tôi cho anh em thả chiếc xuồng ba lá bơi vào bãi, khi vào gần đến bãi thì thấy quân giải phóng đang lủi sắn lên ăn, dân thấy tiếng động và người lạ thì hô to “Biệt kích, Biệt kích”, anh em bắt đầu giải thích rồi tất cả ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Bến và tàu gặp nhau.

Khi lên đến bờ, tôi theo lệnh đã giao đến hỏi gặp đồng chí Sáu Rô, anh bảo vệ đáp: “Sáu Rô là đồng chí Trần Suyền (Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên từ năm 1961) đấy, ổng ngoài kia”. Tôi ngỡ ngàng, như vậy là quen quá rồi, Sáu Rô chính là người tú tài đầu tiên của cái tỉnh này mà khi còn đi học là tôi đã kết thân rồi. Hai anh em ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Tôi bắt đầu báo cáo với anh Sáu Rô, ngoài kia chúng tôi chở vào đây 63 tấn vũ khí mà chỉ được ở lại từ 24 giờ đến 03 giờ sáng vì tôi đã tính toán con tàu đi được 10 hải lý/giờ, đi 30 hải lý thì 06 giờ sáng là tàu đã ra khỏi vùng địch nghi ngờ.

vung-ro-7-1711960956.jpg
Nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Vũng Rô

Lúc đó đang vui thì anh mới sầm mặt lại, tôi hỏi lí do thì mới biết anh chỉ xin Trung ương một chiếc giã cào 3 - 5 tấn thôi mà bây giờ chiếc tàu sắt to thế này thì làm sao bốc dỡ cho kịp. Có người đề xuất tàu vòng ra ngoài biển, tối hôm sau lại vào bờ lúc 07 giờ tối đến 03 giờ sáng thì sẽ bốc được hết vũ khí xuống nhưng vấn đề là có thể ra nhưng vào lại được hay không là điều không ai dám chắc chắn. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định ở lại, một quyết định rất táo bạo vì nếu xảy ra chiến đấu thì không sợ chuyện hy sinh mà thứ tôi quan ngại nhất là con đường bí mật từ bao nhiêu năm nay ta cố giữ có thể bị bại lộ, điều đó sẽ làm cho miền Nam càng rơi vào khó khăn hơn.

vung-ro-4-1711960956.jpg
Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh và các tổ chức đoàn thể dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm Vũng Rô

Tôi cho tàu đến bãi Chùa, đó là nơi cập tàu ngụy trang ở lại. Ở đó có cây rất to, tôi cho tàu kẹp vào đó và treo lưới pháo binh lên. Nguyên một ngày hôm đó tôi vô cùng nóng ruột, cứ nhìn thấy mặt trời nhích nhích từng tí một mà trông cho mau lặn để bốc hàng. Đến 7 giờ tối, ở tại bãi Chùa, tôi bắt đầu cho tháo lưới ngụy trang và chạy tàu tới bãi Chính, dùng tốc độ cao ủi tàu lên bãi cát để dân lên bốc hàng thuận lợi.

vung-ro-6-1711960956.jpg
Thả vòng hoa tri ân công lao các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Vũng Rô

Khi dân lên tàu bốc hàng thì họ chưa muốn bốc liền mà tò mò đi quanh để xem con tàu bên trong như thế nào, còn mình thì nôn nóng vô cùng. Có một chị bật hỏi “Tàu đi giữa biển mênh mông vậy mà sao biết Vũng Rô bây?”.

Trong khi đang bốc hàng, tôi thấy quân dân mồ hôi chảy ròng rã, mặt mày ỉu xìu, hỏi ra mới biết mấy hôm nay ở bến ăn lá sung để chờ đón tàu. Tôi thắc mắc Phú Yên ruộng cò bay thẳng cánh thế này mà sao phải ăn sung thì dân bảo không thiếu gạo ăn nhưng không thể đi ra quốc lộ để lấy lương thực vì giặc phục kích ngày đêm, nên từ sau chuyến đầu tiên tôi đã báo cáo với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nếu tôi có đi chuyến sau thì xin cho tôi thêm 03 tấn gạo để cho bến có cái ăn, ấm bụng rồi thì mới có sức dỡ vũ khí được.

vung-ro-9-1711960956.jpg
Giờ đây dù đã cao tuổi, ông Hồ Đắc Thạnh vẫn luôn tích cực tuyên truyền, khơi dậy truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Rồi mọi người bốc hàng xong, nếu như miền Tây Nam Bộ, bốc xong người ta chuẩn bị những cùi dừa nước bỏ trong tàu để dằn tàu khi ra biển có trọng tải lớn sẽ không bị chao lật thì tại Vũng Rô này tôi quyết định bốc hàng vũ khí xuống, bốc cát Vũng Rô đổ lên.

vung-ro-10-1711960956.jpg
Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh chụp ảnh lưu niệm tại Đài tưởng niệm, Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Vũng Rô

Giờ đây dù đã cao tuổi, ông Hồ Đắc Thạnh vẫn luôn tích cực tuyên truyền, khơi dậy truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Anh hùng Hồ Đắc Thạnh là một trong những gương điển hình được vinh danh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).

Võ Việt

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cau-chuyen-huyen-thoai-ve-thuyen-truong-tau-khong-so-mang-so-hieu-41-a15367.html