Ngày 29/3/2024, tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ đoàn Tàu Không số (thuộc Di tích Lịch sử Quốc gia Vũng Rô, thị xã Đông Hòa), lãnh đạo tỉnh Phú Yên cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đã thành kính dâng lên những nén hương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong dịp này, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh là thuyền trưởng Tàu Không số năm xưa đã đến viếng hương, thả hoa tưởng nhớ đồng đội của mình. Ông cho biết: “Trở lại bến Vũng Rô như trở về nhà của mình. Đây là nơi tôi cùng đồng đội được đồng bào, chiến sĩ đón nhận và sẵn sàng bảo vệ khi Tàu Không số cập bến. Xương máu của nhiều chiến sĩ vẫn còn nằm lại đây.
Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường quan trọng của ta trong việc vận chuyển vũ khí vào miền Nam, những con tàu không số chứa ẩn nhiều vấn đề mà chúng ta càng tìm hiểu thì càng có nhiều cái khó hiểu. Gọi là tàu không số không phải vì tàu không có số mà vì lí do để tránh địch trên đường đi buộc phải thay đổi thành nhiều con số khác nhau. Qua mỗi vùng biển, tuỳ theo tình hình khu vực, quốc gia đó thì chúng tôi lại thay số và đổi cờ. Con tàu số 41 do tôi điều khiển, nếu đi trong vùng tàu cá thì tôi sẽ thay đổi thành tàu cá, nếu đi cạnh tàu vận tải thì sẽ biến hoá thành tàu vận tải,... nên tên gọi tàu không số có nghĩa là như vậy”.
“Sở dĩ Quân uỷ Trung ương chọn Vũng Rô bởi vùng nước này không phụ thuộc vào thuỷ triều nên tàu có thể cập bến bất cứ lúc nào. Hơn nữa, đây là vùng sơ hở của địch vì địch nghĩ ta không thể tiếp cận vùng chiến hào được địch bao vây nghiêm ngặt này” - AHLLVT Hồ Đắc Thạnh cho biết thêm.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông. Từ năm 1961 đến năm 1975, Đoàn Vận tải biển 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) với những con Tàu Không số có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang thiết bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Với 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ ban đầu và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt trong ngày đầu thành lập, trong 14 năm thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đặc biệt này đã phát triển thành một binh đoàn vận tải chiến lược trên biển, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi. Từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến Tàu Không số. Riêng chuyến thứ tư cập bến vào tháng 2/1965 đã bị địch phát hiện nên quân ta chủ động phá hủy cho tàu chìm xuống biển.
Lực lượng vũ trang địa phương đã chiến đấu để bảo vệ các chiến sĩ trên con Tàu Không số vượt vòng vây ra Bắc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong trận chiến này, nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Vũng Rô được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia vào ngày 18/6/1997.
Sự kiện Vũng Rô đánh dấu một mốc quan trọng khi Đường Hồ Chí Minh trên biển của chúng ta không còn giữ được bí mật và tuyến vận tải chiến lược này bước vào giai đoạn mới nhiều gian khổ, hi sinh hơn rất nhiều.
Cùng ngày 29/3, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức các hoạt động hưởng ứng Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 năm 2024, chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975-1/4/2024) như: phát động chiến dịch bảo vệ môi trường biển; tặng quà cho các chiến sĩ Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm, Cục Hậu cần Hải quân; tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Võ Việt
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xuc-dong-tai-le-tri-an-tha-hoa-tuong-niem-tai-vung-ro-a15326.html