Các kết quả hoạt động quốc phòng, hoạt động an ninh tiêu biểu đều được tuyên truyền kịp thời như kết quả phòng, chống khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của lực lượng vũ trang; chiến công của Bộ đội Biên phòng, Hải quân ngày đêm bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc; gương điển hình tiên tiến trong lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, thương, bệnh binh... học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc tổ chức truyền hình, tường thuật trực tiếp các cuộc mít tinh, kỷ niệm, gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng, sĩ quan, tướng lĩnh Quân đội, Công an... cũng được chú trọng, minh hoạ bằng các trích đoạn phim làm sống lại lịch sử hào hùng của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân qua các thời kỳ cách mạng.
Các chương trình quốc phòng an ninh đã để lại ấn tượng sâu đậm và có sức lan toả mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, điển hình như: “Một thời hoa lửa” về chiến công hào hùng 82 ngày đêm năm 1972 của quân và dân ta tại Thành cổ Quảng Trị; “Huyền thoại về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”; “Côn Đảo”; “Phú Quốc”; “Vang mãi tiếng trống Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930”; “50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”; “60 năm Quân tình nguyện Việt Nam tại nước bạn Lào”; “Chiến công của mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”; “Chiến thắng Khe Sanh 1968 - Sức mạnh Việt Nam”...
Đài Tiếng nói Việt Nam hằng ngày đã dành thời lượng 6 giờ để tuyên truyền về quốc phòng - an ninh phát trên sóng phát thanh ở hai kênh VOV1 (chuyên mục Thời sự chính trị tổng hợp) và VOV2 (chuyên mục Văn hóa - đời sống và khoa giáo), được phủ sóng đến các khu vực dân cư và toàn bộ biển Đông. Hằng tuần, trên hệ phát thanh có hình, báo Điện tử, báo Tiếng nói Việt Nam, hệ phát thanh dân tộc (VOV4), hệ phát thanh đối ngoại (VOV5) và các chương trình ca nhạc còn dành nhiều chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền quốc phòng - an ninh.
Báo Quân đội nhân dân ngoài tin, bài thường kỳ còn mở chuyên trang “Tiếp lửa truyền thống”; nguyệt san “Sự kiện và nhân chứng”; đăng tải bài viết đấu tranh với các luận điệu sai trái, phản động, chống phá của các thế lực thù địch. Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát động Cuộc vận động “Sưu tầm và tặng Kỷ vật Kháng chiến” để lưu lại các hiện vật một thời đã đi cùng lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Để ngày càng tăng tính phong phú, hấp dẫn về nội dung tuyên truyền, giáo dục quốc phòng - an ninh, Điện ảnh Quân đội, Truyền hình Quân đội nhân dân, Truyền hình Công an nhân dân, Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Quốc phòng đã sản xuất nhiều bộ phim tài liệu, giáo khoa; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sản xuất các bộ phim về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh; cùng các bộ phim vạch trần âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam. Các bộ phim trên có giá trị giáo dục cao, góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục quốc phòng - an ninh.
Nhằm tuyên truyền kịp thời đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng - an ninh cũng như chủ động đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và các phần tử xấu, hằng năm Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh Trung ương mở các lớp tập huấn cho các đồng chí lãnh đạo, biên tập viên các báo, đài Trung ương, địa phương, báo ngành về chủ trương và giải pháp của Đảng, Nhà nước đối với quốc phòng - an ninh, đồng thời cập nhật thông tin về tình hình quốc phòng - an ninh.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có sáng kiến bổ sung một số hoạt động tuyên truyền, giáo dục quốc phòng an ninh cho thanh, thiếu nhi đạt hiệu quả. Điển hình như mô hình “Học kỳ quân đội” sau khi tổ chức thí điểm đã và đang được nhân rộng tới các Tỉnh đoàn, Thành đoàn, thu hút sự quan tâm của các em học sinh, được phụ huynh và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Hoặc, chương trình “Khi Tổ quốc cần” và cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” đã góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và thu hút đông đảo lực lượng thanh niên tham gia các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Câu lạc bộ hàng không hoạt động đi vào nề nếp, có hiệu quả, thu hút được nhiều thanh, thiếu niên, hướng vào các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích góp phần nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng trời của Tổ quốc cho thế hệ trẻ.
Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho toàn dân cũng được quan tâm và đạt kết quả nhất định. Với các hình thức và phương pháp phong phú như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, phát thanh, truyền hình, các hoạt động văn hoá nghệ thuật, sinh hoạt lễ hội, hội thi..., việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đã được lồng ghép với giáo dục truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước, yêu chế độ.
Điều đó đã góp phần to lớn trong nâng cao nhận thức của nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giúp nhân dân hiểu rõ hơn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thấy được tầm quan trọng của quốc phòng an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược nếu xảy ra. Những việc làm thiết thực, hiệu quả ấy đã góp phần ổn định chính trị ở cơ sở, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế...
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến