Lý luận về chiến tranh và hòa bình, tư tưởng chiến tranh nhân dân

Sau khi kết thúc thắng lợi các cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã quan tâm đúng mức đến công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chiến tranh và hòa bình.

article-1711549722.jpg
Mỗi người dân tự xây “hệ miễn dịch, đề kháng tốt” trước luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Ảnh: Tạp chí Cộng sản

Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã triển khai nhiều công trình khoa học, nhiều hoạt động để làm rõ những vấn đề cơ bản của những cuộc chiến tranh đã diễn ra, nhất là làm rõ nguyên nhân xảy ra cuộc chiến tranh; tính chất, quy mô, cường độ, mức khốc liệt, tổn hại của cuộc chiến tranh; thắng lợi, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi của ta trong cuộc chiến tranh, rút ra những vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc chiến tranh; nguyên nhân thất bại, tội ác của quân xâm lược trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam,...

Quá trình tổng kết thực tiễn về chiến tranh luôn coi trọng chỉ ra những cơ hội, thời cơ có thể ngăn ngừa cuộc chiến tranh, ngừng chiến hoặc làm giảm quy mô, cường độ, mức tổn hại của cuộc chiến tranh, nghệ thuật kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh. Kết quả tổng kết được vận dụng vào thực tiễn thông qua các hoạt động đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhân dân hướng vào giữ vững hòa bình, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược của các thế lực hiếu chiến đối với Việt Nam, nếu xảy ra.

Đất nước đang hòa bình nhưng trên cơ sở nhận thức rõ nguồn gốc, nguyên nhân của chiến tranh, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn đầu tư đúng mức nghiên cứu, phát triển lý luận về chiến tranh và hòa bình. Thông qua các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước cho thấy Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng phát triển lý luận về chiến tranh và hòa bình.

Để giữ vững hòa bình, đồng thời sẵn sàng đối phó thắng lợi nếu chiến tranh xảy ra, Việt Nam đã không ngừng hoàn hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quân sự, quốc phòng, về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là xây dựng và thực thi các quan điểm, nguyên tắc, quy phạm giải quyết các mâu thuẫn, các mối quan hệ đối ngoại, đối nội nhằm giữ vững hòa bình của đất nước, ở khu vực, trên thế giới; xây dựng và thực thi các quan điểm, nguyên tắc, quy phạm bảo đảm hình thành sức mạnh quốc phòng, sẵn sàng chuyển sức mạnh quốc phòng thành sức mạnh chiến tranh nhân dân, góp phần ngăn ngừa chiến tranh và đủ sức đánh thắng chiến tranh xâm lược của các thế lực hiếu chiến đối với Việt Nam.

Với tinh thần đó, đến nay Việt Nam đã có hệ thống lý luận khá hoàn chỉnh về chống “diễn biến hoà bình” và về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Về chống “diễn biến hoà bình”, đó là phát huy nỗ lực của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm làm thất bại âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch hòng làm chuyển hoá ta về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội..., từng bước chuyển hoá chế độ chính trị của ta theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa hoặc kích động, tiếp sức cho các thế lực chống đối dùng bạo lực lật đổ chế độ.

Về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, đó là quan điểm nhất quán của Đảng về mục tiêu vì nhân dân, tính chất toàn dân, lực lượng, sức mạnh tổng hợp từ nhân dân và phương thức tiến hành dựa vào nhân dân làm nền tảng trong tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nếu chiến tranh xảy ra.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ly-luan-ve-chien-tranh-va-hoa-binh-tu-tuong-chien-tranh-nhan-dan-a15283.html