Công nhân mất việc chật vật lo Tết

Nếu có ít tiền, chị Huyền sẽ nấu nồi thịt kho cho 3 ngày Tết, một nồi canh khổ qua ăn tất niên “mong khổ cực vơi đi, năm mới có việc làm để nuôi con”.

Chị Nguyễn Thị Huyền, 36 tuổi, thuê trọ trên đường TL16, phường Thạnh Lộc (quận 12) vốn là công nhân công ty chuyên về đồ nhựa nhưng thất nghiệp gần năm qua do nhà máy đóng cửa. Mất việc đúng lúc mang bầu nên chị không thể tìm việc mới. Nữ công nhân nói rằng lúc đó chồng còn việc làm, có thu nhập nên gia đình vẫn xoay xở được. Chị dự định con 6 tháng sẽ kiếm việc mới nhưng không ngờ đợt dịch thứ 4 ập đến công ty của chồng cũng dừng hoạt động.

nlntv-that-nghiep-2948-1643064818-1643071083.jpg
Chị Nguyễn Thị Huyền (phía sau) cùng sửa soạn tiệc tất niên với xóm trọ hôm 22/1. Ảnh: Lê Tuyết

Khi thành phố "mở cửa" hồi tháng 10 năm trước, song con gái 7 tuổi chưa thể đến trường, con trai còn quá nhỏ chị phải đành tiếp tục ngồi nhà. Cách đây hơn một tháng, chồng chị được một công ty cơ khí ở quận 5 nhận vào làm việc với mức lương mỗi tháng 7 triệu đồng.

20 ngày trước, nhận khoản lương đầu tiên của chồng chị trả ngay 2,5 triệu đồng tiền phòng trọ, mua bỉm, sữa cho con hết gần một triệu đồng và dành riêng một khoản để chồng xăng xe đi lại. Với hơn 2 triệu đồng còn lại, chị gói ghém để gia đình 4 người ăn uống trong một tháng.

"Chưa đến kỳ lương mới mà trong nhà không còn đồng nào nên tôi chẳng dám nghĩ đến Tết", chị Huyền cố giấu tiếng thở dài khi con trai 10 tháng tuổi quấy khóc. Trải qua 5 cái Tết xa quê nhưng với chị "đây là lần đầu thấy mọi thứ khó khăn đến thế".

Hôm qua, nỗi lo của chị được trút bỏ phần nào khi chồng nói rằng khả năng công ty sẽ trả lương tháng 2 trước Tết và có một khoản thưởng nhỏ. Ở góc phòng, con gái lớn đang khui hộp bánh được chủ nhà tặng hôm xóm trọ tất niên. Gạo được nhà hảo tâm tặng từ đợt bùng dịch vẫn còn. Ông bà ngoại ở Hà Tĩnh vừa nhắn sẽ gửi vào đôi gà cho hai cháu ăn Tết. Các phòng trọ hẹn nhau đêm giao thừa đặt một bàn giữa lối đi chung, mỗi nhà góp một món ăn liên hoan đón năm mới.

"Kiểu gì thì Tết cũng đến, lạc quan để năm mới được tốt hơn", chị Huyền tự động viên.

nlntv-thatnghiep-3-6107-1643064818-1643071159.jpg
Khu trọ của chị Huỳnh Thị Thủy nhận hỗ trợ từ nhà hảo tâm khi thành phố giãn cách hồi năm ngoái. Ảnh: An Phương

Cách phòng trọ chị Huyền hơn 5 km, chị Huỳnh Thị Thủy, 43 tuổi, trọ trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) vẫn chưa biết Tết này sẽ về Bình Định với con hay ở lại thành phố. Chị Thủy vốn là công nhân Công ty giày da Huê Phong nhưng thất nghiệp giữa năm 2020 do doanh nghiệp cắt giảm lao động. Lớn tuổi, sức khỏe suy giảm, chị không thể tìm được công việc trong nhà máy, đành xin phụ quán ăn với thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng.

Giữa năm ngoái, Gò Vấp là quận đầu tiên của thành phố áp dụng Chỉ thị 16, chị Thủy một lần nữa mất việc, kéo dài đến nay. Khi thành phố dỡ giãn cách, chồng chị tìm được việc chở gạch thuê cho cửa hàng vật liệu xây dựng với thu nhập mỗi tháng 7 triệu đồng. Sau khi lãnh lương, anh chị gửi 1,5 triệu đồng về quê cho con trai 12 tuổi, trả 2,5 triệu đồng thuê trọ. Số tiền còn lại chị chắt bóp mới đủ chi tiêu. Kẹt tiền, lo ngại dịch, chồng chị không muốn về quê dịp Tết này trong khi chị lại nhớ con, đặc biệt sau một năm xa cách.

Chị Thủy dự định nếu chồng được tạm ứng lương trước Tết dù là chuyến xe cuối cùng chị cũng sẽ về quê với con. "Trường hợp không có tiền phải chấp nhận đón Tết xa con. Vợ chồng mình khổ quen rồi, chỉ sợ con trai ở quê buồn vì xa ba mẹ quá lâu", chị nói.

Gia đình chị Huyền, chị Thủy là hai trong hơn một triệu lao động ở lại thành phố ăn Tết do mất việc, giảm thu nhập, lo ngại quy định cách ly ở các địa phương. Năm nay số công nhân ở lại TP HCM tăng cao hơn 30% so với trước. Một số đơn vị có công nhân không về quê đông như các khu chế xuất, khu công nghiệp hơn 98.000 người, quận Bình Tân hơn 55.000 người, quận 12 hơn 35.000 người...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, người lao động ở TP HCM có thu nhập bình quân tháng giảm chỉ còn 5,8 triệu đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tỷ lệ thiếu việc làm ở thành phố tăng tới 8,5%.

nlntv-thatnghiep-2-7292-1643064818-1643071228.jpg
Người lao động khó khăn mua sắm tại siêu thị mini 0 đồng ở các quận, huyện do Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM chủ trì tổ chức. Ảnh: An Phương

Để hỗ trợ người lao động khó khăn, chính quyền thành phố và các đoàn thể tổ chức nhiều chương trình, với tổng kinh phí khoảng 1.800 tỷ đồng giúp đỡ tất cả người dân dịp Tết. Cụ thể thành phố chi khoảng 900 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách... Mỗi hộ nhận các phần quà trị giá 1,15-3,1 triệu đồng.

Công đoàn TP HCM chi hơn 700 tỷ đồng tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ lao động hoàn cảnh khó khăn. Ủy ban MTTQ TP HCM vận động được khoảng 200 tỷ đồng giúp đỡ người lao động các xóm trọ nghèo, người già, neo đơn, trẻ em mồ côi do dịch. Trong đó có chuỗi siêu thị mini Tết 0 đồng được đồng loạt tổ chức khắp các quận, huyện của thành phố, giúp 25.000 người khó khăn sắm Tết.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, cho hay ngoài sự hỗ trợ của chính quyền và đoàn thể, rất nhiều chủ nhà trọ cùng công đoàn quận, huyện đã tổ chức tiệc tất niên, tặng quà cho những lao động khó khăn, không về quê dịp Tết này. Đơn cử tại Gò Vấp, 50 tổ công nhân tự quản cùng tham gia ngày hội gói giò chả để tặng người ở trọ. Công đoàn quận Bình Tân hỗ trợ kinh phí để chủ trọ tổ chức tiệc tất niên cho công nhân ở lại ăn Tết...

Lê Tuyết

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cong-nhan-mat-viec-chat-vat-lo-tet-a1522.html