Gốc đạo đức của cán bộ
Ngày 13/3, chủ trì phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban, yêu cầu các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải có bản lĩnh chính trị thực sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có uy tín cao.
Đội ngũ tinh hoa này không chỉ quyết định sự thành bại của một nhiệm kỳ đại hội Đảng mà phẩm chất, tài năng của họ gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước.
Nói một cách khái quát, các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc.
Vì sao đức, chứ không phải tài năng, là gốc rễ? Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cây xanh tươi, ra lá, trổ hoa, kết trái là nhờ cái gốc khỏe mạnh; con người có đạo đức thì mới cống hiến được tài năng cho xã hội. Con người cách mạng thì cần gốc rễ là đạo đức cách mạng, có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì không lãnh đạo được nhân dân. Mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không.
Cán bộ cần phải vừa có đức, vừa có tài. Không có tài thì làm việc gì cũng khó. Nhưng có tài mà không dựa trên nền tảng đạo đức thì thành người vô dụng, thậm chí là có hại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa đạo đức của người cách mạng là “trung với nước hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Người nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, nhắc lại bài học “gốc rễ đạo đức” mà Bác Hồ đã dạy năm xưa vì điều này vẫn còn nguyên giá trị trong thời điểm hiện nay. Một số cán bộ cấp cao từng có nhiều đóng góp cho đất nước, có tài năng, nhưng do thiếu sự vun xới gốc rễ đạo đức hằng ngày mà đã gây hại lớn cho Đảng, cho nhân dân.
Từ Đại hội XIII của Đảng (25/1 - 1/2/2021) đến ngày 13/3/2024, thời điểm diễn ra phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong số này có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Mới đây nhất, ngày 20/3/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Công tâm, trong sáng khi làm công tác nhân sự
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước.
Người cho rằng trong việc tuyển chọn cán bộ thì không được thiên tư, thiên vị mà lựa chọn những người thật sự có đức, có tài.
Ở thời điểm hiện tại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đòi hỏi công tác nhân sự phải bảo đảm sự công tâm, trong sáng, khách quan, nói cách khác, “đức phải là cái gốc”.
Để làm tốt việc này, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng.
Công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, trong sáng, khách quan, đặc biệt phải có con mắt tinh đời trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn. Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu.
Trong công tác nhân sự phải kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc. Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
Thẳng thắn đối diện với thực tế là gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự trong hơn 3 năm qua, đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... chưa được ngăn chặn triệt để.
Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ có mối quan hệ qua lại với nhau. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra đây là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Con số không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao, thậm chí là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, bị xử lý kỷ luật là niềm trăn trở lớn đối với những người làm công tác nhân sự. Mặt khác, nhìn từ khía cạnh tích cực, điều này cho thấy một cách rõ ràng rằng Đảng, Nhà nước ta kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không ai, dù giữ chức vụ cao đến đâu, có được kim bài miễn trừ.
Đồng thời, qua những sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, Đảng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm lớn từ công tác nhân sự của khóa XIII, để có thêm cơ sở đề ra phương hướng, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ của khóa XIV.
Trần Quang Vinh (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cong-tac-nhan-su-cua-dang-vun-goc-de-tranh-lui-canh-a15217.html