Trong thực tiễn, việc nhận thức về chiến tranh và hòa bình, nhất là nhận thức về những khả năng chuyển trạng thái từ chiến tranh sang hòa bình hoặc từ hòa bình sang chiến tranh là một trong những tiêu chí cứng trong nhận thức và tâm thế thường trực của lực lượng vũ trang - lực lượng nòng cốt trong tiến hành chiến tranh, bảo vệ hoà bình.
Với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về cơ bản, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về chiến tranh, về nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra chiến tranh; thấy rõ bản chất, tính chất của chiến tranh, phân biệt được giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa. Từ đó, các lực lượng vũ trang nhân dân ta luôn có quan điểm rõ ràng, yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, nhất là những cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Đồng thời, trên cơ sở đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, dự báo được những khả năng xảy ra chiến tranh, lực lượng vũ trang đã nhận thức đúng về chiến tranh hiện đại, thấy rõ sự khốc liệt, khẩn trương của chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao do chủ nghĩa đế quốc tiến hành.
Đồng thời, hiểu rõ về tính chất, đặc điểm, sức mạnh chiến tranh nhân dân của ta, lực lượng vũ trang luôn có tâm thế sẵn sàng và được chuẩn bị về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu để đối phó thắng lợi với chiến tranh (nếu xảy ra). Tuy nhiên, còn có lúc, có nơi, có cán bộ, chiến sĩ, nhất là ở đơn vị cơ sở, nhận thức về chiến tranh chưa đầy đủ, còn có biểu hiện mất cảnh giác, thiếu tích cực trong xây dựng và rèn luyện nên chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu chưa cao.
Đối với việc nhận thức và xác định trách nhiệm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cán bộ, chiến sĩ về cơ bản luôn xác định đúng đắn vai trò nòng cốt của mình. Lực lượng của nền quốc phòng toàn dân là lực lượng tổng hợp, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm trực tiếp.
Nhận thức rõ vấn đề đó, lực lượng vũ trang nhân dân ta đã phát huy vai trò nòng cốt của mình, luôn tích cực, chủ động xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tích cực, chủ động tuyên truyền, giáo dục, vận động, hướng dẫn các tổ chức và nhân dân tham gia xây dựng tiềm lực, thế trận và lực lượng của nền quốc phòng toàn dân. Bên cạnh những mặt tích cực ấy, vẫn còn có cán bộ, chiến sĩ, đơn vị lực lượng vũ trang nhận thức về vai trò nòng cốt của mình chưa đầy đủ nên thiếu nỗ lực cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, làm qua loa, chiếu lệ, hình thức nên chất lượng chưa cao; năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở một số cơ quan quân sự địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đặc biệt, đại đa số cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang luôn nhận thức sâu sắc và xác định trách nhiệm rõ ràng về vai trò nòng cốt của các lực lượng vũ trang trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cả với những nhiệm vụ thường xuyên thời bình và sẵn sàng tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khi cần thiết. Từ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dẫn đến lực lượng dân quân tự vệ đều luôn luôn nhận thức rõ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, là sự nghiệp của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt.
Các lực lượng vũ trang nhân dân luôn luôn quán triệt sâu sắc Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cụ thể hóa vào quá trình thực hiện trong phạm vi trách nhiệm của từng lực lượng, đơn vị cũng như chức trách, nhiệm vụ từng người, gắn với tình hình, thời điểm cụ thể và phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Trong thời bình hiện nay, lực lượng Công an nhân dân luôn phát huy tốt vai trò làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phòng chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống...
Đồng thời, Quân đội nhân dân đã thực hiện tốt vai trò chủ trì hiệp đồng trong xây dựng khu vực phòng thủ, chuẩn bị tốt về mọi mặt, không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu, sẵn sàng làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt phòng thủ dân sự nếu có tình huống khẩn cấp về quốc phòng và chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, cũng cần nhận rõ còn có nhiều vấn đề bất cập, thậm chí cả những mặt yếu kém, bức xúc. Chẳng hạn như vấn đề ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống còn rất mới mẻ. Đặc biệt, đó là những băn khoăn chính đáng của cán bộ, chiến sĩ về khả năng giành thắng lợi trong đối phó với chiến tranh công nghệ cao...
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhan-thuc-va-trach-nhiem-cua-cac-cac-luc-luong-vu-trang-ve-chien-tranh-va-hoa-binh-a15194.html