Hình thành văn hóa tham gia giao thông không sử dụng rượu, bia

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

hop-15324-1710488422.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trong quá trình thẩm tra vẫn còn nhiều loại ý kiến liên quan việc cấm lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng đây là nội dung lớn, có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, được cử tri và dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Theo đó, loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với dự thảo luật là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Về ưu điểm, quy định này kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Quy định trên đã được thực tiễn kiểm nghiệm phát huy kết quả tốt. Số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia giảm. Cấm hành vi trên với mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra, được các nhà khoa học ủng hộ. Về nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở, đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng; có thể kiểm tra lại qua xét nghiệm máu để không làm sai lệch kết quả xử lý.

Về hạn chế, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn là nghiêm khắc và tác động đến thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam; ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương; giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị cân nhắc quy định trên và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.

Ưu điểm của quy định này là đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người đã sử dụng rượu, bia được điều khiển phương tiện tham gia giao thông; không làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta và cả gián tiếp cho nhiều người lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh. Quy định ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu quy định như trên là sẽ làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra như các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác; đồng thời khó bảo đảm tính khả thi khi người uống rượu, bia không thể biết lúc nào đến ngưỡng để dừng lại.

Căn cứ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổng hợp và đề xuất hai phương án. 

Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).

Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: "Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở". Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Trong hai phương án trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 1 để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, thu thập thêm thông tin phục vụ quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu.

hop1-15324-1710488421.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Về cấm hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhiều ý kiến bày tỏ nhất trí với phương án 1 như báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nêu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thực tiễn áp dụng quy định tại khoản 6, Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã dần hình thành văn hóa tham gia giao thông không sử dụng rượu, bia. Đồng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nêu rõ, qua thời gian thực hiện quy định cấm này đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện. Qua đó, đang từng bước hình thành văn hóa "uống rượu, bia thì không lái xe"; đồng thời, làm giảm các vụ tai nạn giao thông do tác hại của rượu, bia gây ra.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hinh-thanh-van-hoa-tham-gia-giao-thong-khong-su-dung-ruou-bia-a15137.html