Trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ hiện có 4 trường đang triển khai trường học du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là Trường Mầm non Phúc Sơn, Mầm non Hoa Phượng, THCS Hạnh Sơn và Trường Tiểu học Phúc Sơn.
Trong thời gian qua, các đơn vị trường học trên địa bàn thị xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng trường học du lịch; đổi mới nội dung phương pháp hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, phối hợp với các tổ chức đoàn thể của thị xã như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, đặc biệt là các bậc phụ huynh truyền dạy những điệu xòe Thái, dạy thêu, đan nát thủ công... cho các em học sinh.
Các nhà trường còn thành lập các câu lạc bộ xòe Thái, khắp Thái và viết chữ Thái cổ tham gia hoạt động trong nhiều sự kiện văn hóa tại địa phương. Trong Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2023 đã có gần 100 em học sinh các đơn vị trường trong xã tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ trong lễ khai mạc, múa xoè, múa sạp và chơi các trò chơi dân gian trong suốt các ngày diễn ra lễ hội.
Nhằm xây đắp tình yêu văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cho học sinh, một số trường còn thành lập Câu lạc bộ "Em làm hướng dẫn viên du lịch”, đồng giáo viên, các tổ chuyên môn xây dựng các nội dung giảng dạy gắn với truyền thống, đời sống văn hóa của các dân tộc bản địa tại địa phương vừa giúp các em có thêm kỹ năng sống, hiểu biết thêm văn hóa địa phương, vừa phát triển văn hóa đó thành sản phẩm du lịch ngay trong trường học.
Từ kinh nghiệm thực tế của Trường THCS Hạnh Sơn trong thời gian qua, thầy giáo Phan Quốc Hùng cũng chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết, phối hợp với các tổ chức, cá nhân để phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục giá trị văn hoá địa phương cho học sinh; thực hiện tốt việc huy động sự tham gia của cộng đồng đối với hoạt động giáo dục giá trị văn hóa địa phương thông qua việc mời phụ huynh, các trí thức địa phương, nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia hoạt động giáo dục giá trị văn hóa địa phương, truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh của nhà trường”.
Trường Mầm non Phúc Sơn trong năm học cũng trú trọng thực hiện tốt mô hình “Sắc màu văn hóa các dân tộc Mường Lò” các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; phát huy vai trò của nhà trường trong xây dựng môi trường văn hóa, con người; góp phần xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập". đồng bộ việc xây dựng mô hình trường học gắn với du lịch và bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương mang đậm phong cách và bản sắc riêng biệt nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh với du khách, đồng thời góp phần thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ em làm trung tâm và tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó đặt mô hình tại tất cả các điểm trường.
Đôn đốc các giáo viên luôn nêu cao tinh thần bồi dưỡng kiến thức về cách lồng ghép văn hoá dân tộc vào trong các hoạt động giảng dạy như sử dụng đồ dùng dạy và học phù hợp với từng dân tộc, hình thức tổ chức tiết học nên lồng ghép văn hoá địa phương như tên gọi, các ngày lễ hội của địa phương, địa danh của địa phương, những câu chuyện gắn với lịch sử phát triển của dân tộc tại địa phương, ý nghĩa tên gọi của địa phương, tạo được môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm để cho trẻ phát huy tính tích cực và làm quen kỹ năng sống cho trẻ. Đẩy mạnh mô hình lớp học yêu thương, trường học thân thiện, an toàn; Mô hình “Ngôi nhà thứ hai của bé”. Tạo cho trẻ sự tự tin, luôn cảm nhận được sự an toàn, gần gũi yêu thương của cô, trẻ chủ động, sáng tạo thể hiện tình cảm khi ở trường cũng như ở nhà, tổ chức cho trẻ làm quen với quốc ca vào sáng thứ 2 đầu tuần, mặc trang phục dân tộc…
Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng trường học hạnh phúc, lồng ghép đưa hoạt động du lịch đến với trẻ mầm non góp phần xây dựng một ngôi trường mầm non xanh, sạch đẹp, an toàn thân thiện theo hướng bản sắc dân tộc riêng. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Chanh - trường mầm non Hoa Phượng chia sẻ: “Vừa qua, các hoạt động tại trường đã lồng ghép nội dung chương trình tết “Quà xuân cho bé” để giáo dục cho trẻ ý nghĩa ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tạo điều kiện để trẻ được học tập, vui chơi, và tham gia các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ nhằm giáo dục giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc cho trẻ ngay từ độ tuổi mầm non. Trẻ được tham gia trải nghiệm một số hoạt động của ngày tết như: tham gia gói bánh trưng, bánh tét, bánh rợm, làm bánh nhãn, bánh dầy…Được tham gia vào một số trò chơi ngày tết của dân tộc Thái như: đi cà kheo, chơi Tó Má Lẹ, nhảy dây, ném còn, kéo co, đẩy gậy, nhảy xạp, múa xoè, múa hát….Được mặc các trang phục của dân tộc tại địa phương nơi sinh sống…. Nhằm giáo dục trẻ biết giữ gìn bản sắc dân tộc tại địa phương”.
Việc xây dựng môi trường văn hoá trong trường học là góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện nhân cách con người, hiểu và khám phá được những nét văn hóa độc đáo của địa phương mình, bước đầu tiếp xúc với những mô hình phát triển du lịch của địa phương. Tạo các hoạt động văn hoá, câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với tình hình chính trị, văn hoá, xã hội, và điều kiện thực tế của địa phương, để thu hút và giáo dục toàn diện đối với người học, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn và thân thiện gắn với văn hóa địa phương, giúp trẻ thêm yêu quê hương đất nước.
Các nhà trường cũng xây dựng các góc cộng đồng trong và ngoài lớp để trưng bày sản phẩm văn hóa như công cụ lao động, nhạc cụ, trang phục; xây dựng hệ thống bảng biểu, vườn hoa, cây cảnh, các khu chụp ảnh... để trường học trở thành một trong những địa điểm tham quan hấp dẫn; giúp cho các em học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui; thầy cô và học sinh đến trường trong bầu không khí vui tươi, phấn khởi, thoải mái.
Các đơn vị trường nói chung trên địa bàn thị xã cũng tiếp tục quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa trong trường theo nét đẹp phong tục, tập quán của các dân tộc, từ trang phục, giao tiếp đến ứng xử…; phát huy các câu lạc bộ trong trường học; chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương…
Xây dựng trường học du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá địa phương đã nâng cao hiệu quả mô hình trường học hạnh phúc ở các trường , góp phần xây dựng thị xã văn hóa, du lịch; đồng thời là tiền đề trang bị kiến thức làm du lịch cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, rèn luyện kỹ năng sống cho các em; đặc biệt là góp phần quảng bá bản sắc văn hóa vùng Mường Lò, từng bước thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Phi Thường - An An
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thi-xa-nghia-lo-trien-khai-truong-hoc-du-lich-gan-voi-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-a15059.html