Những khả năng xung đột vũ trang, chiến tranh có thể xảy ra ở Việt Nam (Phần 3 và hết)

Đối phương tạo cớ gây xung đột vũ trang trên biển, đảo, kết hợp gây chiến tranh trên biên giới với tiến công đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa, khu vực DK1, thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Đây cũng là khả năng có thể xảy ra khi tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những biến động lớn; đối phương có thể thỏa hiệp được với một số nước lớn trên thế giới, thoả hiệp và chia rẽ đa số nước trong khối ASEAN; lực lượng họ đủ mạnh để thực hiện độc chiếm Biển Đông.

nha-gian-dk1-cot-moc-chu-quyen-tren-vung-bien-phia-nam-19-1562371220271920281942-1710253452.jpg
Nhà giàn DK1 - tiền đồn bảo vệ thềm lục địa phía Nam. Ảnh: Báo Tổ quốc

Về thủ đoạn, có thể sử dụng không quân đánh phá các căn cứ, kho tàng, tiến công một số đảo lớn, căn cứ ven bờ của ta; sử dụng hải quân bao vây phong toả (bằng hoả lực, thuỷ lôi, tàu ngầm..) ngăn chặn sự chi viện từ bờ của ta; tổ chức tiến công vào một số mục tiêu kinh tế, chính trị trên tuyến biên giới nhằm phân tán lực lượng và khả năng đối phó của ta, hỗ trợ cho đánh chiếm quần đảo Trường Sa và DK1...

Thủ đoạn hỗ trợ cũng rất đa dạng: tăng cường vu cáo ta trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, kích động tổ chức phản động chống phá, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự nội địa của ta. Mục đích của loại hoạt động này nhằm phân tán lực lượng tác chiến của ta cả trên hai hướng đất liền và biển, đảo; đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trên tuyến biên giới để mặc cả, gây sức ép về các vấn đề chủ quyền biển, đảo của ta; cuối cùng là thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Đối với các nước khác trong khu vực, khả năng xung đột vũ trang, gây chiến tranh khó có thể xảy, ngoại trừ trường hợp những nước vốn là đồng minh chiến lược với các cường quốc thì có thể đưa quân tham chiến hoặc cho mượn lãnh thổ để làm bàn đạp tiến công ta khi xảy ra chiến tranh, xung đột theo các tình huống đã nêu trên.

Nhưng ngoài các khả năng trên, cần đặc biệt chú ý đến tình huống các phe phái đối lập ở các quốc gia này thắng thế rất có thể sẽ hậu thuẫn cho lực lượng FULRO sử dụng lãnh thổ để xây dựng căn cứ, tập hợp lực lượng, kết hợp với lực lượng trong nước ở khu vực các tỉnh thuộc Tây Nguyên gây bạo loạn vũ trang, thực hiện mục tiêu thành lập “Nhà nước Đề ga độc lập”. Tình huống này dễ xảy ra và nếu ta xử lý sai lầm có thể tạo cớ cho lực lượng quân sự nước ngoài can thiệp vũ trang, thậm chí có nguy cơ dẫn đến một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” hoặc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn.

toi-ac-fulro-3-1692175802849-1710253452.jpg
Những người theo FULRO trở về buôn làng sau khi được lực lượng chức năng vận động. Ảnh: Internet

Điều kiện để xảy ra tình huống này là: các cường quốc đế quốc ráo riết thực hiện thủ đoạn tạo ra những nhân tố mất ổn định bên trong nước ta khi đặt hẳn ta vào vị trí nước đối địch; đồng thời nuôi dưỡng, chỉ đạo, hỗ trợ cho lực lượng phản động FULRO tiến hành bạo loạn để tạo cớ can thiệp lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Lực lượng đối lập với CPP lên nắm quyền lãnh đạo Campuchia thao túng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho lực lượng FULRO xây dựng căn cứ, tập hợp lực lượng, tiếp tay cho FULRO tiến hành bạo loạn vũ trang lật đổ chính quyền địa phương.

Ở trong nước, lực lượng FULRO đã xây dựng, tập hợp được lực lượng, lợi dụng vấn đề “Nhà nước Đề ga độc lập” tồn tại trong ý thức đồng bào dân tộc thiểu số, lợi dụng vấn đề dân tộc, “tự do tôn giáo”, trình độ dân trí thấp và những khó khăn trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số để lừa gạt, kích động, lôi kéo được một bộ phận quần chúng chống lại chính quyền; lực lượng phản động bên trong cũng đã nhận được sự chỉ đạo, nuôi dưỡng và hỗ trợ về mọi mặt của các thế lực thù địch bên ngoài.

Về phía ta, nội bộ tổ chức đảng, chính quyền địa phương yếu kém, sai lầm trong triển khai thực hiện chính sách kinh tế - xã hội; đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn về đời sống, bất bình với những sai trái, yếu kém của cán bộ, đảng viên và chính quyền, mất lòng tin với chế độ; xã hội phân hóa giàu - nghèo ngày càng lớn, sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội cùng nhiều mâu thuẫn nội bộ đã được tích tụ từ lâu; lực lượng vũ trang mơ hồ, mất cảnh giác.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-kha-nang-xung-dot-vu-trang-chien-tranh-co-the-xay-ra-o-viet-nam-phan-3-va-het-a15018.html