Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển

Ngày 3/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu toàn quốc, phát động phong trào thi đua triển khai nhiệm vụ năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

chinh-phu-luon-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-01-1709467943.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng; Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo 130 doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu toàn quốc.

Chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Đến đầu năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước đạt 1,8 triệu tỷ đồng. Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước là gần 1,7 triệu tỷ đồng.

Tổng hợp số liệu của 605/676 doanh nghiệp nhà nước, ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước năm 2023 cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước năm 2023 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng; tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước là hơn 166 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước năm 2023 là hơn 60 ngàn tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch phê duyệt…

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích tình hình, đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới. Trong đó tháo gỡ khó khăn trong quản lý doanh nghiệp; có cơ chế linh hoạt hơn để huy động các nguồn lực mà các doanh nghiệp đang nắm giữ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ trong quản lý, vận hành, sản xuất, kinh doanh… Trong đó có một số đề xuất cụ thể về cơ chế quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu quốc gia; cơ chế phát triển năng lượng điện áp mái…

Sau khi các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa bày tỏ tri ân, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp; khẳng định Chính phủ luôn luôn đồng hành bên cạnh doanh nghiệp, bất kể là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp…

Nhắc lại thời kỳ khó khăn trước đổi mới của đất nước, Thủ tướng Chính phủ cho biết, với quan điểm bám đuổi, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, đến nay Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như hiện nay” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ.

Nêu các yếu tố nền tảng phát triển đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã định hình con đường phát triển của đất nước phù hợp với chủ nghĩa Mác – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và phù hợp với tình hình từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Trong đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế; doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt trong phát triển kinh tế đất nước.

chinh-phu-luon-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-02-1709467943.jpg
Đại diện các doanh nghiệp Nhà nước tham dự Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đánh giá về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; có vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội.

Thời gian qua, các doanh nghiệp tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn, tài sản, áp dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp lớn đi đầu trong các công nghệ mới; một số doanh nghiệp vươn tầm thế giới; các doanh nghiệp tham gia thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là phát triển nguồn lực và hạ tầng; góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

Tái cấu trúc doanh nghiệp để phát triển

Thủ tướng chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước trong quản lý, điều hành; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa như kỳ vọng, thậm chí thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm; các dự án mới của doanh nghiệp còn ít, hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng; chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt; một số doanh nghiệp để xảy ra các sai phạm…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phân tích kỹ, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để khắc phục, đưa ra giải pháp để vượt qua, với yêu cầu phải nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái bằng tất cả tư duy, kinh nghiệm sẵn có cộng với kinh nghiệm của thế giới, chủ động hơn nữa đề ra những cách làm mới để tăng tốc và vượt lên.

Trên tinh thần đó, để tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-TTg về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và các chỉ đạo, kết luận khác có liên quan.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư phát triển; triển khai có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp.

Trong đó, tái cấu trúc quản trị, cụ thể là tái cấu trúc bộ máy quản lý hiệu lực, hiệu quả và lực lượng lao động giảm số lượng, nâng cao chất lượng; tái cấu trúc về tài chính, tập trung cho đầu tư phát triển; tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng, tôn trọng quy luật cạnh tranh, quy luật thị trường có sự quản lý của nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc kể cả bên trong và bên ngoài; thúc đẩy tăng trưởng…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng, chiến lược; ưu tiên tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, phải là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trong các ngành, lĩnh vực mới nổi; thực hiện đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy liên kết, tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Cùng với đó, tập trung làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu; chú trọng xây dựng thương hiệu, đánh giá đúng và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng doanh nghiệp để vươn lên; xử lý dứt điểm các tồn tại, các dự án yếu kém trên cơ sở xem xét lợi ích tổng thể chứ không phải lợi ích cục bộ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan đại diện chủ sở hữu tích cực, chủ động và trách nhiệm, phối hợp có hiệu quả, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp tiến cùng, theo kịp, vươn lên phát triển, “không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm”. Trong đó, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nghiên cứu tách bạch giữa chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước tại các doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; đóng góp vào việc xây dựng thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ chế giám sát để bảo đảm hoạt động lành mạnh; khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và Nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên”, Thủ tướng tin tưởng, với năng lực, kinh nghiệm đã có, đường lối đúng đắn của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục duy trì, thúc đẩy đà phát triển, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Phạm Tiếp (TTXVN)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chinh-phu-luon-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-vuot-qua-kho-khan-thach-thuc-thuc-day-phat-trien-a14997.html