Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu đầu xuân như: Hội Miếu Ông Địa ở quận Gò Vấp; Lễ Kỳ yên Đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); Lễ Kỳ yên Đình Bình Đông, quận 8; Lễ hội Nguyên Tiêu, quận 5; Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu, quận 3; Lễ đền thờ Phan Công Hớn, huyện Hóc Môn; Lễ Giỗ tổ Kim Hoàn, quận 5... Cùng với không khí du xuân, trẩy hội rộn ràng, TP Hồ Chí Minh còn có nhiều lễ hội diễn ra ở các thời điểm khác trong năm. Với đặc trưng là đô thị quy tụ đa dạng sắc thái văn hóa các vùng miền, TP Hồ Chí Minh là vùng đất tiêu biểu, hội tụ văn hóa lễ hội.
Có thể thấy, trong các lễ hội, phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội chú trọng bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Mặc dù vậy, thực tế vẫn còn hiện tượng lễ hội truyền thống được tổ chức chưa đúng nghi thức cổ truyền, còn có sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội. Các trò chơi dân gian đặc sắc không được tổ chức hoặc tổ chức chưa hiệu quả, không có không gian. Bên cạnh đó, ở một số lễ hội vẫn diễn ra các hiện tượng mê tín dị đoan, bị chi phối bởi các yếu tố thương mại.
Làm thế nào để mùa lễ hội thật sự an toàn, văn minh và lành mạnh?
Mùa lễ hội 2024 đánh dấu lần đầu tiên "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 3-8-2023 được triển khai tại các địa phương. Theo đó, Bộ tiêu chí nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, ban tổ chức các lễ hội tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Bộ tiêu chí góp phần cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội. Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có nhiều công văn gửi các địa phương, yêu cầu giám sát chặt chẽ những hoạt động lễ hội.
Thực tế cho thấy, để chấn chỉnh, ngăn chặn các hoạt động biến tướng, góp phần bảo tồn bản sắc lễ hội truyền thống một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng. Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra phải được siết chặt hơn, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, mê tín dị đoan, cờ bạc... Đồng thời, phải chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền. Công chúng tham gia lễ hội cần trang bị cho mình sự hiểu biết, văn hóa ứng xử với lễ hội; hiểu đúng và thực hành đúng các nghi thức; tránh xa, loại bỏ những biến tướng tiêu cực; giữ gìn nét đẹp đặc trưng của từng lễ hội.
Minh Ngân
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hao-quang-truyen-thong-bao-ton-ban-sac-le-hoi-truyen-thong-a14912.html