Các tình huống có mối quan hệ hữu cơ, tác động lẫn nhau, tình huống này có thể là tiền đề cho sự xuất hiện của tình huống kia. Trong đó, tình huống biến động chính trị trong nước đe dọa sự mất còn của chế độ và tình huống bạo loạn ly khai ở một vùng hoặc một số vùng gây nguy cơ chia cắt đất nước là do hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của địch tạo ra.
Vì vậy, làm thất bại “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của địch cũng chính là trực tiếp ngăn ngừa, đẩy lùi hai tình huống chiến lược nói trên. Ngăn chặn được tất cả các tình huống này sẽ góp phần quan trọng triệt tiêu điều kiện, thời cơ để nước ngoài lợi dụng chống ta bằng cả chính trị - ngoại giao - kinh tế; không cho kẻ thù kiếm cớ can thiệp quân sự, gây xung đột vũ trang hoặc tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta.
Nhận thức rõ về âm mưu, thủ đoạn bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” và những nguyên nhân, điều kiện để bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” có thể xảy ra ở nước ta, từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII của Đảng đến Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đều tiếp tục khẳng định: Nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu trong các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh hiện nay; đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Theo quan điểm của Đảng ta, phòng, chống bạo loạn lật đổ là nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân. Phải lấy ngăn ngừa, đẩy lùi bạo loạn là chủ yếu, và muốn vậy phải giữ cho “trong ấm, ngoài êm”, triệt tiêu các điều kiện, thời cơ gây bạo loạn của địch, trước hết là triệt tiêu mọi mầm mống gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị bất ngờ.
Nước ta đang trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với phương châm hòa bình, hợp tác cùng phát triển; đã thu được các kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước hiện còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định do nhiều nguyên nhân.
Về khách quan: kẻ thù trong và ngoài nước chống phá ta ngày càng quyết liệt; sự tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường với thành phần kinh tế tư bản tư nhân ngày càng phát triển, trong điều kiện trình độ, năng lực quản lý của ta còn hạn chế; sự tác động toàn diện từ những biến động của thị trường, rủi ro về tài chính, tiền tệ của thế giới đối với đất nước khi chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Về chủ quan: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống và sự xuất hiện ngày càng nhiều phần tử cơ hội, bất mãn dẫn đến nội bộ Đảng phân hóa, mất đoàn kết; dân chủ ở cơ sở và lợi ích chính đáng của nhân dân bị vi phạm ở nhiều nơi; phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ngày càng tăng, kéo theo sự bất bình đẳng và mâu thuẫn nội tại trong xã hội ngày càng căng thẳng giữa các tầng lớp, giữa một bộ phận các dân tộc. Khi những mâu thuẫn bên trong bị tích tụ, dồn nén đủ độ, cộng với bị kẻ thù kích động, những nhân tố trên dễ bùng phát, nảy sinh các cuộc bạo loạn, trong đó có bạo loạn chính trị.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh-bao-loan-lat-do-la-nhiem-vu-cap-bach-hang-dau-hien-nay-a14865.html