Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư trên thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều công trình, dự án lớn nhằm phát triển kinh tế, tạo nên diện mạo mới cho xã hội. Xã hội càng phát triển, nhu cầu nhà ở không còn dừng lại là nơi che mưa che nắng mà phát triển thêm yêu cầu về thẩm mỹ, sự hiện đại, sang trọng. Các khu biệt thự, dinh thự, toà nhà cao tầng mọc chen chúc trong thành phố. Nhiều người đã không khỏi bỡ ngỡ khi lật lại những hình ảnh Việt Nam cách đây 10 năm hoặc 20 năm vì nay đã khác xưa quá nhiều. Tất cả những điều đó chính là sức mạnh của xây dựng. Từ xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp đến xây dựng cơ sở hạ tầng đều tác động mạnh mẽ và tạo nên diện mạo mới cho một đất nước Việt Nam phát triển.
Về công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 nhiệm vụ và 12 đồ án quy hoạch; có ý kiến đối với 101 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh. Bộ tiếp tục tham gia triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo rà soát nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đồng thời tham gia đề xuất ý kiến các nội dung quy hoạch xây dựng tại các đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng tiếp tục triển khai Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và yêu cầu các địa phương triển khai Luật Kiến trúc.
Về công tác quản lý phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ Xây dựng đã trình Hội đồng thẩm định quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2023. Bộ cũng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Bộ Tiêu chí đánh giá đô thị thông minh bền vững, dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2023. Tính đến hết tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt và 22 đô thị loại I.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng vẫn còn những điểm còn hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tình trạng khan hiếm nhà ở cho người lao động, công nhân. Một số đồ án quy hoạch chất lượng thấp; tầm nhìn công tác dự báo chưa hợp lý; một số dự án xây dựng còn vội vàng, phương án quy hoạch chưa được tính toán cụ thể. Tại một số địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hệ thống đô thị trên cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chủ yếu là các đô thị loại nhỏ. Sự liên kết giữa các đô thị còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và các hành lang kinh tế…
Bộ Xây dựng đề ra một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới, đó là: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật ngành xây dựng; tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị hiệu quả, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, liên kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng vùng; tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, tiếp tục chính sách, chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung - cầu; từng bước phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý.
Thị trường nắm bắt doanh thu của tổng số các công ty xây dựng hoạt động trong nhiều lĩnh vực xây dựng. Thị trường xây dựng Việt Nam được phân khúc theo lĩnh vực (xây dựng thương mại, xây dựng nhà ở, xây dựng công nghiệp, cơ sở hạ tầng (xây dựng giao thông) và xây dựng năng lượng và tiện ích) và theo vùng (miền Bắc Việt Nam, miền Nam Việt Nam và miền Trung Việt Nam).
Đồng thời tập trung nghiên cứu Luật Quản lý đô thị và các văn bản pháp luật hướng dẫn, đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ; Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030; các Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030.
Đối với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn và có ý kiến với các địa phương về nội dung quy hoạch xây dựng trong quy hoạch tỉnh; đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Kiến trúc và định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Cấp, thoát nước; chính sách quản lý không gian ngầm đô thị, chính sách quản lý hạ tầng kỹ thuật trong Luật Quản lý phát triển đô thị; tiếp tục triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2016 - 2025...
Thị trường xây dựng Việt Nam có tính cạnh tranh cao, với sự hiện diện của các công ty quốc tế lớn. Thị trường xây dựng Việt Nam mang đến những cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn dự báo, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cạnh tranh thị trường hơn nữa. Với một vài công ty nắm giữ một tỷ trọng đáng kể, thị trường xây dựng Việt Nam đang có mức độ hợp nhất có thể quan sát được.
Đỗ Ân - Nguyễn An
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xu-huong-dong-luc-phat-trien-nganh-xay-dung-viet-nam-nam-2024-a14852.html