Thêm một số chuyên ngành khối Sức khỏe được miễn học phí
Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định một số chuyên ngành khối Sức khỏe sẽ được miễn 100% học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học.
Cụ thể, Nhà nước có chính sách về cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
Đồng thời, cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nêu trên nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.
Tại Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Nhà nước chỉ miễn học phí đối với người học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần. Như vậy, số chuyên ngành được miễn 100% học phí đã tăng lên, với việc thêm các chuyên ngành tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.
Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng quy định các ngành miễn học phí cho sinh viên bao gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác - Lê nin, ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp Y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Bên cạnh đó, một số ngành sinh viên được giảm 70% học phí gồm: Các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc; Nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ; diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống; các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc. Một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Chính sách học phí khối ngành sư phạm
Đối với khối ngành sư phạm, theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).
Tuy nhiên, muốn được hỗ trợ, sinh viên phải thuộc đối tượng được giao nhiệm vụ, đặt hàng, nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt cùng các hồ sơ liên quan. Hồ sơ của sinh viên phải đáp ứng điều kiện của địa phương và được địa phương xét chọn.
Đối với sinh viên không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng đã nộp đơn và các hồ sơ liên quan nhưng hồ sơ không đáp ứng điều kiện của địa phương và không được địa phương xét chọn, nếu đã nộp đơn đề nghị công tác trong ngành giáo dục thì cơ sở đào tạo giáo viên sẽ căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại trong phạm vi chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo sau khi trừ đi chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng và sẽ lập dự toán kinh phí gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính.
Cơ quan tài chính sẽ bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên được cấp cho trường theo hình thức giao dự toán theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành.
Hỗ trợ học phí với các ngành khoa học cơ bản
Những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký học các ngành khoa học cơ bản ngày càng giảm, trong khi đây là những ngành cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, nhiều trường đại học đã đưa ra các chương trình hỗ trợ học phí, cấp học bổng nhằm thu hút thí sinh ứng tuyển vào các ngành khoa học cơ bản.
Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai tặng học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Trong đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có 9 ngành được hỗ trợ, gồm: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có 9 ngành: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng có quỹ học bổng hàng tỷ đồng cấp cho sinh viên trúng tuyển vào 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển gồm Vật lý, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Kỹ thuật địa chất, Địa chất học, Khoa học môi trường và Công nghệ kỹ thuật môi trường.
Chương trình học bổng của các trường dành cho các ngành khoa học cơ bản sẽ tạo cơ chế mở giúp thí sinh được theo học các ngành học yêu thích đi kèm với các chính sách học bổng hấp dẫn, khích lệ học tập, tạo động lực để trở thành sinh viên giỏi, đồng thời tạo nguồn nhân lực cho các bậc học cao hơn, cũng như nguồn nhân lực khoa học trong tương lai.
Việt Hà (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xet-tuyen-dai-hoc-2024-nhung-nganh-hoc-duoc-mien-giam-hoc-phi-a14772.html