Cúng ông Công ông Táo quá sớm
Theo các chuyên gia phong thủy, không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp. Gia đình nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp (tức ngày 30 tháng 1 Dương lịch) đến ngày 23 tháng Chạp.
12h ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Theo truyền thống, gia chủ không nên bao sái, rút tỉa chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Phải cúng ông Công ông Táo xong mới nên làm việc này.
Không đốt tiền âm phủ, tránh cầu xin giàu có, tiền bạc
Ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là người âm, vậy không nên đốt tiền âm phủ. Khi cúng ông Công ông Táo, chỉ nên cầu xin Táo quân bẩm báo điều tốt cho gia đình, tránh các điều không hay, không nên cầu xin phú quý hay no đủ. Ông Công ông Táo về chầu trời để bẩm thưa những việc lớn nhỏ trong suốt một năm của gia đình dưới hạ giới. Bởi vậy, xin khấn nên tập trung vào sự an lành, hòa thuận, vui vẻ, sức khỏe các thành viên trong nhà. Xin các vị thần báo cáo điều tốt là được.
Không đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp
Theo dân gian, ông Táo là thần bếp nên một số gia đình hay đặt mâm cỗ cúng ở dưới bếp. Theo chuyên gia phong thủy, điều này không hợp lý và chỉ nên đặt mâm cỗ trên ban thờ của gia đình.
Vì theo tâm linh, ban thờ chính là nơi kết nối giữa hai thế giới âm dương, người trần và thần linh. Vì vậy, đây chính là nơi dâng đồ, cúng bái hợp lý nhất.
Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân ở bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, song vẫn cần có mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở ban thờ chính bởi theo quan niệm dân gian thì ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà, không cúng ở trong bếp.
Ngoài ra, xét theo ý nghĩa tâm linh thì việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Bếp là nơi đun nấu, dù có lau dọn sạch sẽ đến mấy thì cũng vẫn là không gian sinh hoạt chung, không đủ trang nghiêm.
Ban thờ chính của gia đình là nơi thờ phụng các vị thần linh, đặt mâm lễ cúng ở đây mới thể hiện lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh. Khi cúng, nên đặt cá chép ở cạnh khu vực thờ cúng.
Không thả cá chép từ trên cao xuống
Cá chép là phương tiện để Táo Quân về trời được xem như là biểu tượng của thần linh chính vì vậy các gia đình thả cá chép từ trên cao xuống hay bọc cá chép trong bao nilon rồi thả xuống được xem như là hành động mạo phạm, mất ý nghĩa tâm linh.
Hành động này thể hiện sự sơ sài, cẩu thả của người phóng sinh, nhiều khả năng cá có thể bị chết do rơi từ trên cao, lực ném quá mạnh. Cá nên được đặt trong lòng bàn tay, thả nhẹ xuống nước, tránh việc đổ, ném, quăng cá mạnh tay từ xô, chậu, túi nilon xuống thẳng sông hồ.
Không nên phóng sinh cá ở giếng, các vùng nước đọng và những nơi nguồn nước bị ô nhiễm vì cá sẽ ít có cơ hội sống sót. Ngoài ra, cần chọn nơi ít người câu cá để tránh việc cá vừa thả ra đã bị đánh bắt.
Phương Thảo - TH
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-sai-lam-can-tranh-khi-cung-ong-cong-ong-tao-a14608.html