Những biểu hiện của nguy cơ chuyển hóa do “diễn biến hòa bình” (Phần 3 và hết)

Trong thực tiễn đấu tranh tư tưởng - lý luận, chúng ta có đủ khả năng chứng minh được tính hợp quy luật của sự ra đời chủ nghĩa xã hội hiện thực.

chu-nghia-xa-hoi-1707982858.jpg
Đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại. Ảnh: Internet

Mô hình của chủ nghĩa xã hội hiện thực cũng ngày càng được nhận thức rõ ràng hơn thông qua việc giải thích ngày càng đầy đủ, có cơ sở khoa học về con đường biện chứng của lịch sử mà các nhà kinh điển mácxít đã vạch ra, cũng như thông qua sự phát triển và chứng minh những quan niệm mới ngày càng đúng đắn của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thể hiện trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội VI đến nay.

Bằng thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, mô hình mới của chủ nghĩa xã hội cũng từng bước hình thành. Đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; dựa trên nền sản xuất theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, vận hành bởi cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một xã hội thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, một nền dân chủ triệt để dưới sự lãnh đạo của Đảng và từng bước đang được hoàn thiện.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, con người được chăm sóc chu đáo và có lối sống lành mạnh. Đó là lối sống kết hợp lý tưởng cao đẹp với hiện thực hữu ích, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, biết làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Đó là lối sống có đạo đức trong sạch, lành mạnh, giữ gìn truyền thống dân tộc và tiếp thu những giá trị hiện đại của nhân loại.

Đảng ta đã nhận thức được các mâu thuẫn trong lòng xã hội, kiên quyết đấu tranh sửa chữa những sai lầm, khiếm khuyết trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, bộ máy quản lý, điều hành của Nhà nước. Một khi công tác chỉnh đốn Đảng được tăng cường, vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền Nhà nước được nâng cao; vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội được phát huy; phòng chống tham nhũng có hiệu quả; kinh tế xã hội phát triển, lòng tin vào chế độ và sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được tăng cường, củng cố... thì sẽ tạo ra chất “miễn dịch” trước đòn tiến công của các lực lượng thù địch hòng thực hiện “diễn biến hòa bình” và thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là tiền đề căn bản để chúng ta bảo vệ được nền hòa bình bền vững, phòng ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn tiến hành chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch.

mg-2295-1707982858.jpg
Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII. Ảnh: PC

Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu, đồng thời là một trong nhiều nguyên nhân làm nên những thắng lợi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là: “biết mình, biết người”, “biết địch, biết ta”, “biết thời, biết thế”. Trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, đó là việc đánh giá đúng đắn, toàn diện tình hình các mặt có liên quan đến an ninh, quốc phòng của ta, từ những tác động bên ngoài đến những phát sinh trong nội bộ; từ những âm mưu thủ đoạn của kẻ địch trong hiện tại đến việc dự kiến sự vận động, phát triển của các yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan trong tương lai. Đó chính là cơ sở đề ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ ấy, mang lại sự ổn định về chính trị, xã hội để phát triển đất nước. Đồng thời, đó cũng là tiền đề giữ ổn định chính trị để chuẩn bị thế trận, lực lượng, tiềm lực cho đất nước sẵn sàng đối phó thắng lợi với các cuộc chiến tranh xâm lược của địch. Bài học kinh nghiệm lịch sử này đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong nhận thức, giải quyết chiến tranh và hòa bình.

Bối cảnh chung về quốc tế, khu vực và trong nước những năm gần đây có nhiều biến động khó lường. Sự bùng phát của các nguy cơ tiềm ẩn, việc xử lý chiến lược của từng nước không chính xác có thể dẫn đến những đột biến, tạo ra sự thay đổi từ đối tác thành đối tượng, khó lường trước về hậu quả. Dự báo về những phát triển mới của các tình huống chiến lược ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, trong đó có “diễn biến hoà bình”, không chỉ dừng lại ở những gì đã đúc kết từ thực tiễn, những gì đã biết, mà phải luôn theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, góp phần kịp thời đưa ra các chủ trương, giải pháp, phương thức đối phó hiệu quả trước mọi tình huống.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-bieu-hien-cua-nguy-co-chuyen-hoa-do-dien-bien-hoa-binh-phan-3-va-het-a14585.html