Ngẫm về văn hóa tặng quà

Tín hiệu mừng trong những ngày cuối năm nay là trên sạp hàng Tết có nhiều giỏ quà trông khá bắt mắt có giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Điều đó cho thấy thị hiếu tiêu dùng thể hiện trong xã hội đã có nhiều người quan niệm đúng về quà nói chung và quà Tết nói riêng. Quà không nặng về giá trị vật chất, mà nặng về ý nghĩa của hành vi tặng quà. Tặng quà là để tri ân, là để nhớ về chứ không phải là “trả giá” hay “hướng tới”!

Nhớ lại hồi học lớp 2, tôi với hai đứa bạn cùng làng đi chúc Tết thầy giáo. Làng tôi ở là làng Ngòi, nay thuộc xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Thầy chúng tôi ở tận xã Văn Quán, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), nghĩa là cách xa hơn 10 cây số. Bấy giờ chúng tôi chừng 7, 8 tuổi, trông bé nhỏ, quần áo chưa đủ ấm. Quà Tết là một cặp bánh chưng, chính xác là hai cái bánh, lớn, bé không đều nhau, vì mỗi nhà góp một cái. Năm ấy nhà tôi gói giò lụa nên mẹ tôi cắt một khoanh, gọi là khoanh kính để biếu thầy. Ba đứa trẻ, quà chỉ có vậy và chúng tôi rộn rã đi lễ thầy. Đường xa, chúng tôi đi bộ, vừa đi vừa hỏi đường. Lên đến nhà thầy đã gần trưa. Nhà thầy chuẩn bị ăn cỗ. Thấy chúng tôi lên, thầy bất ngờ và rất vui. Chúng tôi lễ phép chào mẹ của thầy và những người thân trong gia đình. Sau đó, thầy xin phép mẹ cho chúng tôi được ngồi ăn cỗ cùng mâm. Tôi lễ phép dâng quà Tết biếu thầy. Thầy nhận và xin phép mẹ đặt lên ban thờ rất kính cẩn. Bữa cỗ hôm ấy thật ngon và vui. Chiều về, thầy buộc cho chúng tôi mỗi đứa mấy cân sắn tươi làm quà.

Bây giờ, tôi đã 80 tuổi, thầy tôi không còn nữa, nhưng quà Tết năm ấy vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi suốt bao năm qua mỗi khi Tết đến, xuân về. Hóa ra, cái ăn sâu vào tâm khảm người ta không phải quà to hay bé mà là ý nghĩa của quà tặng cùng với cách trao và nhận. Ông cha ta có câu: "Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy" đã đi vào đời sống người Việt như một nét đẹp văn hóa mà không hề có chút áp lực nào, dù khi ấy đời sống vật chất còn rất nhiều khó khăn...

Ngày xưa, ở Hà Nội, những người bà buôn bán nhỏ trong phố cổ thường cất giữ những đồng hào đẹp ngay từ giữa năm để cuối năm mừng tuổi con cháu. Ngân giá của một hào không lớn, nhưng đồng hào mới, lại có màu đỏ-màu của may mắn, các bà cất giữ cẩn thận để không bị gấp góc, chăm chút nó bằng tình thương yêu và cảm thấy hạnh phúc khi mừng tuổi cho con cháu ngày đầu năm mới. Niềm vui sướng của những đứa trẻ ríu rít quanh bà nhận tiền mừng tuổi, niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt của bà sau một năm buôn thúng bán bưng là cảnh Tết vui vầy đúng nghĩa.

ngamvevanhoatangqua24091945pm-1706377058.jpg
Minh họa: Phạm Hà

Tưởng nhớ lại cảnh ấy, ta cảm thấy chạnh lòng vì thời nay có những đứa trẻ đã biết "ghẻ lạnh" khi nhận những tờ tiền “mệnh giá mừng tuổi thấp”. Phải chăng, "bệnh" người lớn đã lây sang con trẻ? "Căn bệnh" ấy bắt nguồn từ sự biến tướng quà tặng thành những gói vật chất lớn chứa đựng trong đó những ẩn ý mà chỉ có kẻ đưa, người nhận mới hiểu. Hiểu, nhưng đến khi cần nói rõ, người ta lại không hiểu. Quà bỗng dưng thành chuyện rắc rối. Chuyện rắc rối, chẳng ai thích, nhưng rồi cứ phải nhắc, nhắc ngay trong các phiên tòa xử tội những người đồng chí của mình.

Chuyện ấy chúng ta thấy ngay trong phiên tòa xử vụ Việt Á mới đây hay phiên tòa xử vụ “chuyến bay giải cứu” trước đó. Người trong cuộc tỏ ra không hiểu tiền hối lộ và tiền nhận hối lộ. Người hối lộ coi đó là sự “tri ân” người đã giúp mình. Người nhận hối lộ thì coi đó như món quà "cảm ơn". Thực ra nó na ná giống nhau bởi cơ chế "xin-cho" được “ủ quá lâu” mà đẻ ra “kẻ cho và người nhận” kiểu như thế. Người xin, trước phải có “tiền tạ” và sau phải có “hậu tạ”. “Hậu tạ” càng lớn càng thể hiện sự biết điều “có trước, có sau” để dễ bề lập “nhóm lợi ích” về lâu, về dài. Kẻ nhận hiểu mấy chục ngàn đô, thậm chí cả triệu đô cũng không lớn, chỉ là cái quà của những “kẻ xin” biết điều mà thôi. Còn cơ chế “xin-cho” như thế sẽ còn đẻ ra những “kẻ ban-người tạ” và hiểu quà biếu là như thế. Bởi thế, khi quà lớn quá đến mức người nhận đã giật mình hỏi người đưa: Sao nhiều thế? Thì liền được thưa: Có đáng gì so với công lao anh giúp em! Hành vi, cách hiểu và ngôn ngữ hình thành trong đưa và nhận hối lộ cũng na ná như tình nghĩa vậy. Phải chăng nó cũng là thứ làm cho công cuộc phòng, chống tham nhũng quyết liệt đến như vậy mà vẫn còn nhiều cán bộ không biết sợ. Một số người sợ hoặc giả vờ sợ thì co cụm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Xem ra, công cuộc phòng, chống tham nhũng còn cam go. Phân biệt việc tặng quà và đưa nhận hối lộ có lẽ còn nhiều vấn đề phải bàn.

Ngày xưa, những nhà Nho thường dạy con cháu: “Ẩm hà tư nguyên”, nghĩa là uống nước nhớ nguồn. Có người còn dạy thêm: “Bát cơm Phiếu Mẫu trả ơn ngàn vàng” và còn dẫn giải ngọn nguồn tích này để nhấn mạnh ý nghĩa của nó, để con cháu biết nhớ ơn những người từng cưu mang, giúp đỡ mình. Những cha mẹ nghèo thì dạy con: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” để nhắc nhở con cháu nhớ thuở hàn vi có người giúp tí chút cũng phải nhớ, nhất là khi giàu có, công thành danh toại. Nhớ công sinh thành, nuôi dưỡng, nhớ công lao cứu cấp khi đói, nâng đỡ thuở hàn vi, đó là đạo làm người. Nhớ công lao như thế mà có quà biếu thì gọi là “tri ân”, nói nôm na là đền đáp. Những thứ quà như thế thường được thực hiện tự nguyện, chủ động của người mang ơn chứ không mảy may có sự gợi ý (dù khéo ở mức nào) của người làm ơn. Có trường hợp người làm ơn không còn nhớ mình làm việc đó khi nào, làm như thế nào. Có nghĩa là việc tặng và nhận quà đã cách xa việc “làm ơn” lâu lắm rồi. Những gói quà như thế, đạo làm người nặng hơn quà, dù vật chất có lớn bao nhiêu.

Còn những người đưa hối lộ cũng nói “tri ân”, nhưng đó là ân gì? Nói là cảm ơn nhưng ơn cái gì? Và việc “cảm ơn” ấy thường ngay sau khi được nhận “ban ơn”, thậm chí còn trước khi được “ban ơn”. Nhìn trực diện như thế ta sẽ thấy “quà cảm ơn” ở đây không phải là quà đúng nghĩa của nó. Những người nhận quà như thế không chỉ tiếp tay cho hối lộ mà còn góp phần sản sinh ra muôn màu “quà hối lộ”. Đã đành, cơ chế "xin-cho" và những lỗ hổng luật pháp đã làm nhiều cán bộ, đảng viên “sập bẫy”. Nhưng trước tiên phải tự trách mình, nghiêm khắc xem mình đã cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa? Đã tu dưỡng, rèn luyện nghiêm cẩn chưa, rồi xem trách nhiệm nêu gương hay Quy định những điều đảng viên không được làm đến đâu... Thiết nghĩ, không chờ hệ thống luật pháp đầy đủ, không chờ cơ chế hoàn thiện, mà mỗi cán bộ, đảng viên hãy tự hoàn thiện mình trước. Chân thành, trung thực, minh bạch, công khai, dân chủ, không thiên vị, không vụ lợi là liều thuốc hữu hiệu nhất phòng, chống tham nhũng từ gốc của mỗi người. Làm được như thế thì chuyện quà tặng cuối năm chẳng cần phải bàn nhiều, cũng chẳng cần quy định bao nhiêu là đúng, thậm chí còn khuyến khích mọi người tặng quà.

Những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc, Thủ tướng Chính phủ nhắc các địa phương phải chú ý quan tâm người nghèo, nhất là những gia đình chính sách, người có công với cách mạng, ấy là chia sẻ theo văn hóa truyền thống “lá lành đùm lá rách”, là tri ân những người có công với dân, với nước. Tiền hay hiện vật có thể chưa có nhiều nhưng không để ai không có Tết. Đó là chính sách, là uống nước nhớ nguồn. Lớn hơn thế, gần gũi hơn thế đó là tình cảm, đó là quà Tết có ý nghĩa đích thực. Nhiều năm nay, Ban Bí thư đều có chỉ thị nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; các cơ quan chức năng cũng có hướng dẫn cụ thể để người tặng quà và người nhận quà không nhầm lẫn và không lợi dụng việc này để thực hiện hành vi thiếu trong sáng. Chỉ thị, hướng dẫn như thế có lẽ không còn cách nào cụ thể và chân tình hơn. Hy vọng sẽ không còn người hiểu nhầm quà với hối lộ. Và như thế, toàn Đảng, toàn dân ta, đón Tết, vui xuân tưng bừng với những món quà giàu ý nghĩa, đậm đà nét đẹp văn hóa và nghĩa cử tri ân.  

TS. Nguyễn Viết Chức

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ngam-ve-van-hoa-tang-qua-a14540.html