Trước thực trạng về thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030.
Thực phẩm bẩn là tên gọi chung chỉ các loại thực phẩm chứa những chất gây hại đến sức khỏe người dùng, những chất này thường là những chất hóa học và thuốc kháng sinh vượt quá mức an toàn mà Bộ Y tế cấp phép trong quá trình nuôi trồng. Thực trạng an toàn thực phẩm hiện nay là một trong những vấn đề nhức nhối cần quan tâm lưu ý nhất, người tiêu dùng đang phải đối mặt với các loại thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh về chất lượng cũng như độ an toàn trong chế biến, sản xuất.
Theo Cục An toàn Thực phẩm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tình trạng quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp. An toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… Tất cả đều ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm. Việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn có tác động xấu đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tiến sĩ Lê Văn Giang, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, cần phải có những giải pháp phù hợp để quản lý.
Tiến sĩ Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng cho rằng, các mối nguy ô nhiễm thực phẩm có thể sẵn có như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, hóa chất vô tình nhiễm vào thực phẩm hoặc tự sinh ra trong thực phẩm. Một số là những hóa chất được bổ sung do quá trình sản xuất gian dối như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, kháng sinh… đây là mối nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong giai đoạn 2017-2022, cơ quan chức năng đã tiêu hủy các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, phụ gia thực phẩm hết hạn, không bảo đảm an toàn của gần 4.000 cơ sở, nộp ngân sách nhà nước 50 tỷ đồng.
Theo báo cáo tại cuộc họp về tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng, năm 2023 toàn ngành y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỉ đồng; Ngành nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỉ đồng; Ngành công thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỉ đồng; Toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum.
Trước thực trạng đó cần có giải pháp đồng bộ như sau:
Về phía Nhà nước Nhà nước
Cần điều chỉnh các văn bản luật: Quy định có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm cho phù hợp với tình hình đất nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về những văn bản pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng cần phải tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh, xử phạt nghiêm đối với các đối tượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó cần đề ra những chính sách nhằm ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta, gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.
Về phía Nhà sản xuất
Các cơ sở sản xuất, chế biến cần phải có những biện pháp để hỗ trợ sản xuất sạch phát triển; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng mọi tiêu chuẩn được cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận. Nhà sản xuất cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh; tránh vì lợi ích riêng hay mục đích lợi nhuận mà gây ảnh hưởng xấu đến phía người tiêu dùng cũng như gây ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay: Việc xin giấy phép an toàn thực phẩm là điều kiện bắt buộc phải có đối với những đối tượng phải xin giấy phép, Nếu cơ sở, doanh nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động hoặc đang hoạt động rồi nhưng chưa có giấy chứng nhận này cần phải bổ sung gấp.
Theo quy định tại Khoản 01, Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Tất cả Cơ sở sản xuất kinh doanh ngành thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm khi hoạt động
Về phía người tiêu dùng
Người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm. Người tiêu dùng cần thận trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người tiêu dùng có trách nhiệm báo cáo những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời giải quyết.
Những thiệt hại do thực phẩm bẩn gây nên nhiều hậu quả khác nhau, từ bệnh cấp tính, mạn tính đến tử vong. Thiệt hại chính do các bệnh gây ra từ thực phẩm bẩn đối với cá nhân là chi phí khám bệnh, phục hồi sức khỏe, chi phí do phải chăm sóc người bệnh, sự mất thu nhập do phải nghỉ làm… Đối với nhà sản xuất, đó là những chi phí do phải thu hồi, lưu giữ sản phẩm, hủy hoặc loại bỏ sản phẩm, những thiệt hại do mất lợi nhuận do thông tin quảng cáo… Thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng và còn làm giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Minh Hòa
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/an-toan-thuc-pham-thuc-trang-va-giai-phap-a14421.html