Việc thí điểm thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử được thực hiện theo Kế hoạch 63/KHPH, ngày 7/7/2023, của Tổ công tác triển khai Đề án số 06/CP về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030” trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đánh giá môn Toán lớp 11 đối với học sinh củaTrường Trung học Phổ thông Chuyên Biên Hòa và Trường Trung học Phổ thông B Phủ Lý. Theo đó, 71 em học sinh thực hành thi online tập trung với đầy đủ các bước kiểm tra xác thực thí sinh thông qua thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và tiến hành làm bài trắc nghiệm với 10 câu hỏi trong thời gian 15 phút. Kết quả điểm thi sẽ được tính điểm thi 15 phút cho học sinh trong học kỳ 2 năm học 2023 - 2024.
Từ điểm cầu trung tâm của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Biên Hòa, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm soát tình hình làm bài thi của thí sinh các điểm cầu khác. Ngay sau khi thời gian kết thúc, hệ thống thi online tự động đóng và chấm điểm các bài thi. Hệ thống sẽ phân tích dựa trên kết quả, số lượng câu hỏi để giúp giáo viên có góc nhìn khách quan đối với đề thi, giúp điều chỉnh cho phù hợp với năng lực học sinh. Kết quả thi được lưu trữ trên hệ thống máy chủ, giúp giảm thủ tục lưu trữ giấy tờ, tạo thuận tiện cho quá trình thanh tra, xác minh sau kỳ thi.
Ông Phạm Ngọc Sơn, cán bộ phụ trách Mô hình 21 của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hệ thống thông tin FPT (Tập đoàn FPT) cho biết, thông qua buổi triển khai thí điểm, có thể đánh giá việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử của Bộ Công an sẽ xác định được đúng người, đúng khuôn mặt của thí sinh qua nhận diện khuôn mặt được gửi từ phòng thi vào hệ thống phân tích lưu trữ. Việc sử dụng thi online tập trung qua nền tảng xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử sẽ giúp các nhà trường kiểm tra, đánh giá được học sinh, đồng thời quản lý được ngân hàng câu hỏi, xây dựng được kế hoạch tổ chức thi. Đây sẽ là giải pháp hiệu quả đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo giấy tờ, nhờ người thi hộ trong các kỳ thi...
Ông Ngô Quang Tuệ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam cho biết, việc triển khai rộng rãi Mô hình 21 ra các trường học tại Hà Nam là chưa khả thi, cần có thời gian để khắc phục những lỗi kỹ thuật của phần mềm. Đặc biệt, hiện nay, các trường học trên địa bàn Hà Nam về cơ sở vật chất (máy tính,…) chưa đáp ứng được yêu cầu của Đề án. Mô hình thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử chỉ dừng lại trong kiểm tra đánh giá tại lớp học, trường học chứ chưa thể áp dụng ra được tại các kỳ thi tập trung đông thí sinh như ở kỳ thi lớp 10, kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia.
Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức khảo sát để có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan về những ưu điểm của mô hình thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Sở phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần FPT (đơn vị phối hợp xây dựng giải pháp triển khai Mô hình 21) nhằm xây dựng kế hoạch, giải pháp tiếp tục triển khai, nhân rộng Mô hình 21, nếu mô hình này được các cơ sở giáo dục đánh giá là ưu việt, góp phần bảo đảm khách quan, công bằng, trung thực trong mỗi kỳ thi…
Tin, ảnh: Đại Nghĩa (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thi-diem-thi-online-tap-trung-qua-nen-tang-xac-thuc-the-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-dien-tu-a14417.html