Thị trường lao động dần hồi phục
Theo ông Trịnh Quang Thiệu, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Phát triển nguồn nhân lực Thiên An (Hà Nội), tình trạng thiếu đơn hàng của một số ngành, lĩnh vực vẫn xảy ra, nhưng ở thời điểm này nhiều doanh nghiệp phía Bắc vẫn có đơn hàng lớn, nhất là doanh nghiệp từ Trung Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, đơn vị đang nhận nhiều đơn tuyển dụng từ doanh nghiệp tại các khu công nghiệp lớn ở phía Bắc như: Quang Châu (Bắc Giang), Yên Phong (Bắc Ninh), Vĩnh Phúc, chủ yếu là công nhân sản xuất trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chíp bán dẫn, dệt may, da giày, lao động thời vụ…
Ngoài các đơn hàng số lượng lớn như trên, công ty cũng nhận được yêu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp cho các đơn phổ biến cần từ 500 - 700 lao động, thậm chí đến trên 2.000 người làm các vị trí lắp ráp bản mạch, sản xuất giày da, phần lớn chỉ yêu cầu nhóm lao động phổ thông, số này chiếm đến 95%.
Bên cạnh đó, vẫn có những vị trí cần tuyển dụng lao động có tay nghề cao, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật, song yêu cầu với kỹ sư cần bắt buộc ít nhất có bằng cao đẳng trở lên, đặc biệt về các ngành nghề cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin…
Tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Trung Hiếu, chuyên viên tuyển dụng Công ty Cổ phần Vinhomes (Hà Nội), cho biết, từ nay đến Tết Âm lịch, đơn vị này đang triển khai 2 dự án là Vinhomes Ocean Park 2 và Vinhomes Ocean Park 3 tại Hưng Yên, nên đang cần tuyển rất nhiều các vị trí từ bảo vệ đến chuyên viên kỹ thuật, ban quản lý…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Hiếu đánh giá, thời điểm trước Tết, việc tuyển dụng cũng có những khó khăn do tâm lý phần lớn các ứng viên sẽ mong muốn có một khoản thưởng Tết, nên ít khi nhảy việc hay tìm kiếm công việc mới trong thời gian này.
Từ góc độ đơn vị kết nối, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng nhận định, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thì lớn song khó khăn trong tìm kiếm ứng viên do thời điểm cận kề dịp lễ, Tết, người lao động làm toàn thời gian rất ít khi nhảy việc.
Vì vậy, tuyển dụng với nhóm lao động ở khu vực chính thức thời điểm hiện tại sẽ hạn chế hơn. Hiện những công việc như thời vụ, bán thời gian sẽ thu hút lao động phi chính thức lựa chọn hơn.
Ông Vũ Quang Thành dự báo: “Thông qua hoạt động thu thập thông tin của trung tâm thì trong quý IV/2023 và đầu quý I/2024, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng nhiều lao động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ; tiếp đến là nhóm lao động trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo, sản xuất… để hỗ trợ các đơn vị hoàn thành đơn hàng. Bên cạnh đó, lĩnh vực lưu trú - du lịch, công nghệ thông tin, thương mại điện tử… các đơn vị cũng có nhu cầu tuyển dụng nhỉnh hơn so với các ngành khác”.
Để kết nối thị trường lao động dịp cận Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Quốc Oai vào ngày 13/1 và phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh vào ngày 18/1… Với việc tăng cường kết nối người lao động và doanh nghiệp, ông Vũ Quang Thành bày tỏ hy vọng thị trường lao động tiếp tục trên đà phục hồi, doanh nghiệp có sự ổn định, có nhiều đơn hàng, việc làm dành cho người lao động.
Còn Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh thông tin, nhu cầu nhân lực tại Thành phố trong quý I/2024 khoảng 77.500 - 86.000 chỗ làm việc. Khu vực thương mại - dịch vụ cần từ 56.200 - 62.400 chỗ làm việc (chiếm 72,63%); công nghiệp - xây dựng nhu cầu từ 21.100 - 23.400 chỗ làm việc (chiếm 27,23%); khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản nhu cầu từ 109 - 120 chỗ làm việc (chiếm 0,14%).
Qua khảo sát nhu cầu sử dụng lao động, thu thập thông tin cầu lao động tại gần 75.000 lượt doanh nghiệp, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Tổng nhu cầu nhân lực quý I/2024, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu gồm: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược - nhựa - cao su cần từ 13.800 - 15.300 chỗ làm việc”.
Ổn định thị trường lao động
Về thị trường lao động năm 2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhận định, năm 2024 dự báo tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp; kinh tế tiếp tục còn đối mặt với khó khăn thách thức. Vì thế, ngành lao động sẽ tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động.
Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường. Đồng thời, Bộ LĐTBXH sẽ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa; tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long - nơi có nguồn nhân lực dồi dào.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tuyển dụng, để thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt được tin tức kinh tế thị trường, xu hướng thị trường tuyển dụng và tâm lý của người lao động nhằm xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế lương - thưởng minh bạch và hấp dẫn; chú trọng vào lương như một yếu tố thu hút ứng viên khi tuyển dụng; đảm bảo các chính sách về lương, thưởng cho người lao động.
Trong khi đó, theo kết quả Báo cáo Lương và thị trường lao động năm 2024 do Navigos Search khảo sát mới đây, có đến 454/555 doanh nghiệp tại Việt Nam trả lời rằng bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, con số ước tính chiếm hơn 82% tổng số doanh nghiệp.
Để kịp thời thích ứng và đối phó với những biến động khó lường trong tương lai, người lao động cần thường xuyên cập nhật tin tức thị trường, xu hướng mới. Trong đó, hướng nghiệp sớm không chỉ với nhóm sinh viên, người mới đi làm mà cả nhóm đối tượng học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học. Từ đó giới trẻ có thể chủ động học hỏi để phát triển các kỹ năng mềm ngay từ khi còn đi học, nắm bắt xu hướng làm việc mới, ứng dụng AI nâng cao hiệu suất công việc.
Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/gia-tang-tuyen-dung-lao-dong-thoi-vu-dip-gan-tet-a14314.html