Một số bài học tiêu biểu từ các cuộc chiến tranh giữ nước thời phong kiến (phần 2 và hết)

Trong lịch sử dân tộc ta, các triều đại phong kiến độc lập đã vận dụng sáng tạo những vấn đề về liên tục tạo lập thế trận, tranh thủ thời cơ và chuyển hóa lực lượng. Điều đó cho phép ta chủ động tiến công địch, và khi có đủ thời cơ, điều kiện thì dốc toàn lực cho trận quyết chiến chiến lược.

3588-tien-phat-che-nhan08012020030419-1704816784.jpg
Tiên phát chế nhân là tư tưởng quân sự xuất hiện tại Việt Nam dưới thời nhà Lý. Tác giả không ai khác chính là danh tướng Lý Thường Kiệt. Ảnh: Internet

Nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình gắn với tích cực tạo thế, tranh thời và chuyển lực; chủ động tiến công từ xa và dốc toàn lực cho trận quyết chiến chiến lược

Chủ trương “tiên phát chế nhân” sở dĩ được nhà Lý thực hiện thành công là do có thế nước hoàn toàn chủ động, thời cơ khi địch còn trong trạng thái chuẩn bị chưa vững chắc và gặp bất ổn nội bộ, lực lượng ta đã sẵn sàng. Nhà Trần nhờ phối hợp một cách uyển chuyển thế - thời - lực nên có giải pháp độc đáo để khắc phục sự so sánh lực lượng thua xa những đội kỵ binh Mông Cổ nổi tiếng thiện chiến đương thời, làm cho địch từ chỗ ban đầu ở thế áp đảo đã bị sa vào thế trận chiến tranh toàn dân rộng khắp của ta và cuối cùng thất bại.

Thời Lê, từ thế, thời và lực ban đầu mong manh, nhỏ yếu, với bản lĩnh vững vàng, nghệ thuật tài giỏi nhằm dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, và với chủ trương “đánh vào lòng người”, ta đã tạo được thế mới - thế trận lòng dân. Việc giải quyết vấn đề thế - thời - lực thời Tây Sơn là chuyển hóa từ thế - thời - lực trong phong trào nổi dậy của nông dân đến thế - thời - lực trong cuộc tiến công thần tốc tiêu diệt quân Mãn Thanh xâm lược, giải phóng đất nước. Cuộc kháng Pháp dưới triều Nguyễn ghi lại bài học thất bại, trước hết là về ý chí nhà nước, mặc dù xét tương quan thế - thời - lực thể thì quân Pháp không phải là bất khả chiến bại.

1a2b0bf5-863a-49cc-a005-7765a09fc923-1704816876.jpg
Kỵ binh triều Nguyễn. Ảnh: Internet

Nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình gắn với không ngừng sáng tạo và vận dụng nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc

Nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua các thời đại và luôn được vận dụng sáng tạo trong từng cuộc chiến tranh cụ thể. Các hoạt động tác chiến của người Việt thường được tiến hành theo ý định trực tiếp của bộ thống soái, phát triển sáng tạo phong phú, đặc sắc về nghệ thuật quân sự.

Trước hết, ta luôn dùng những phương cách phù hợp với điều kiện cụ thể, cũng như vận dụng sức mạnh tổng hợp buộc địch đánh theo cách đánh của ta. Thứ hai, trước thế giặc mạnh, ta không thiên về ỷ lại thành cao,hào sâu để cố giữ trận tuyến, mà thiên về “rút thế nào, giành lại ra sao”. Thứ ba, đó là biết tận dụng địa hình quen thuộc để triển khai nhiều mũi tiến công từ nhiều hướng, kết hợp nội công, ngoại kích. Thứ tư, khi đã đủ tiền đề, ta mở trận quyết chiến chiến lược, và nghệ thuật quân sự trong các trận đó đã thể hiện sự kế thừa và phát huy cao độ tất cả những sự vận dụng trước đó; kết hợp với ý chí độc lập dân tộc, truyền thống dân chủ, đại đoàn kết, tinh thần quyết chiến, quyết thắng để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

screenshot-1-1704817058.png
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu diễn ra từ năm 1416 tại vùng núi Lam Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Internet

Nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trên cơ sở phát huy nhân tố tinh thần, nhân bội sức mạnh tổng hợp của quân và dân

Các cuộc chiến tranh bảo vệ, giải phóng đất nước đều là chính nghĩa vì sự sống còn của nền độc lập, sự trường tồn và bền vững của dân tộc. Từ rất sớm, dân ta đã có ý thức tự đảm đương sự nghiệp giữ làng, giữ nước, vì quyền sống của giống nòi, của gia đình và bản thân, nên tinh thần sẵn sàng hy sinh chiến đấu đã thấm sâu vào mọi cộng đồng dân cư.

Nhận thức được giá trị đó, các nhà lãnh đạo đã biết khai thác làm vũ khí và sức mạnh đánh thắng kẻ thù. Lý Thường Kiệt khi tiến sang đất Tống đã cho phân phát Phạt Tống lộ bố văn nói rõ mục đích chiến đấu nên được dân vùng Hoa Nam ủng hộ; và trước phòng tuyến sông Cầu đã biết khơi động tinh thần quân sĩ bằng bài thơ Thần. Trần Quốc Tuấn luôn quan tâm giáo dục truyền thống và cổ vũ tinh thần quân và dân qua Hịch tướng sĩ, hai chữ “Sát Thát” tự khắc trên cánh tay người lính, tiếng hô “quyết đánh” ở Hội nghị Diên Hồng...

Khi nghĩa quân Lam Sơn vây hãm Đông Quan, Nguyễn Trãi chủ trương “mưu phạt tâm công”, thảo thư dụ hàng tướng giặc. Trong đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ coi trọng cổ vũ tinh thần yêu nước của quân và dân: “Đánh cho để dài tóc; đánh cho để đen răng; đánh cho nó chích luân bất phản; đánh cho nó phiến giáp bất hoàn; đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chử”.

Song, khi đã giành chiến thắng, các triều đại mới định lập bao giờ cũng giữ thái độ hòa hiếu, khiêm nhường trước “Thiên triều” để ổn định nền hòa bình. Lịch sử cũng chứng tỏ khi các nhà lãnh đạo không phát huy được nhân tố tinh thần ấy thì luôn thất bại, như đối với triều đình nhà Nguyễn.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/mot-so-bai-hoc-tieu-bieu-tu-cac-cuoc-chien-tranh-giu-nuoc-thoi-phong-kien-phan-2-va-het-a14296.html