Hội nghị có chủ đề “Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước”; được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, trực tuyến với đầu cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chuyển từ tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa"
Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo, thảo luận sôi nổi, đánh giá đầy đủ, toàn diện những kết quả đạt được trong năm 2023; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024 của ngành của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời, đánh giá sau hai năm triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ban, ngành, các địa phương trên cả nước cụ thể hóa trong hoạt động, công tác.
Hội nghị đánh giá, năm 2023, với sự quan tâm, ủng hộ của các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể, sự tham mưu đúng, trúng, kịp thời, toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bám sát và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tập trung thực hiện nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam; phục hồi, phát triển thể thao, du lịch; xây dựng gia đình tiến bộ, no ấm, hạnh phúc. Hội nghị cho rằng, thành công rõ nét là sự chuyển biến tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa".
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch bám sát các sự kiện chính trị lớn của đất nước, tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc gia và liên vùng, có điểm nhấn và có sức lan tỏa; các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao và du lịch vui Xuân, đón Tết diễn ra sôi động, được nhân dân, du khách tích cực đón nhận.
Đặc biệt, với việc đổi mới, sáng tạo trong cách làm, có các chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo hấp dẫn mới, hoạt động du lịch đã phục hồi nhanh, với lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách và gấp 3,5 lần năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch; ngành công nghiệp văn hóa được thúc đẩy. Các hoạt động thể thao được quan tâm, đầu tư, trong đó, tham dự SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc, vượt chỉ tiêu đề ra, lần đầu tiên giành vị trí thứ Nhất toàn đoàn tại một kỳ SEA Games tổ chức tại nước bạn.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn, phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tạo bứt phá phát triển nhanh và bền vững
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm gần đây, vai trò, vị trí của ngành Văn hóa,Thể thao và Du lịch được nâng lên cả về nhận thức và hành động, khẳng định: Văn hóa là sức mạnh nội sinh của một dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn; văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa mang tính dân tộc, khoa học và đại chúng.
Thủ tướng cho biết, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam cho thấy Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, quan tâm tới lĩnh vực văn hóa. Cùng với đó, thể thao giúp nâng cao thể chất, tinh thần, ý chí của mỗi người dân. Mỗi công dân khỏe mạnh, kiên cường thì cả dân tộc khỏe mạnh, kiên cường, đất nước hùng cường, thịnh vượng. Du lịch là ngành công nghiệp không khói, ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế đất nước.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên, người lao động, những người làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch trên cả nước đã đạt được trong năm 2023, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành 133/148 nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023, góp phần vào thành quả chung phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Lưu ý một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nỗ lực vượt qua như: Thể chế, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; công tác phối hợp trong ngành và giữa ngành với các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số xuống cấp, thiếu đồng bộ; lĩnh vực thể dục, thể thao vẫn còn những hạn chế, bất cập ở cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; lĩnh vực du lịch chưa phục hồi như trước COVID-19; một số vụ việc phức tạp để kéo dài, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận.
Chỉ rõ những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện các nhiệm vụ của công tác văn hóa, thể thao, du lịch; phân tích bối cảnh, tình hình, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, truyền thống và kết quả đạt được; vượt qua khó khăn, thách thức; tạo bứt phá để tăng tốc, phát triển nhanh và bền vững văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng phải quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là trong các lĩnh vực hoạt động đang còn khuyết luật điều chỉnh; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình trong việc bồi dưỡng, xây dựng đạo đức, nhân cách con người, đề cao chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội. Củng cố nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển thể dục, thể thao; có cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế thể thao. Đổi mới phong trào thể dục, thể thao quần chúng gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch. Tập trung triển khai các chương trình, chiến lược, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành Du lịch… Với mục tiêu phấn đấu năm 2024, ngành Du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng.
“Phải đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết các vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch. Xây dựng “một cung đường, nhiều điểm đến”, “con đường di sản”; kết nối thể thao; kết nối giữa con người với con người, từ trái tim đến trái tim. Đảm bảo tiếp cận bình đẳng về văn hóa, thể thao, du lịch, nhất là ở vùng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đặc biệt là người yếu thế”, Thủ tướng đặc biệt lưu ý.
Yêu cầu quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực, hoàn thiện chính sách lâu dài, phù hợp đối với các văn nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên, người làm việc trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng mong muốn, tin tưởng, toàn thể những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, kết quả đã đạt được, tiếp tục chung sức, đoàn kết, đồng lòng; kỷ luật hơn, quyết tâm hơn, đổi mới sáng tạo hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa; xứng đáng là những “chiến sỹ xung kích” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phụng vụ Tổ quốc, phục sự nhân dân, vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Phạm Tiếp (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thu-tuong-day-manh-lien-ket-vung-quoc-gia-quoc-te-ve-van-hoa-the-thao-du-lich-a14236.html