Các cuộc chiến tranh thời mở nước ở Việt Nam thời đại phong kiến (Phần 3 và hết)

Trong thời kỳ Bắc thuộc, các cuộc khởi nghĩa cứu nước của người Việt liên tục diễn ra, và tinh thần yêu nước lại được khơi dậy cực kỳ mạnh mẽ làm nền tảng cho việc dựng binh và dụng binh cứu nước. Hai Bà Trưng dấy binh ở Mê Linh “một là rửa sạch thù nhà, hai là nối lại nghiệp xưa họ Hùng”.

vua-ngo-quyen-1-1703691626.png
Ngô Quyền nổi tiếng với trận đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ảnh: Internet

Tinh thần yêu nước đã giúp Lý Bí, rồi Triệu Quang Phục đủ sức lãnh đạo dân chúng nổi dậy, xây dựng lực lượng vũ trang và tiến hành các hoạt động vũ trang lật đổ ách đô hộ của nhà Lương, dựng nên Nhà nước Vạn Xuân. Trong các cuộc dấy nghĩa sau đó của Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng…, phong trào yêu nước đã kết thành sức mạnh quân sự đánh giặc, chống ách đô hộ. Đặc biệt, trong thời kỳ trực tiếp đấu tranh giành lại quyền tự chủ, những lãnh tụ xuất sắc của nghĩa quân người Việt như Dương Đình Nghệ, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền đều là những người yêu nước thương nòi, biết khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc trong đội ngũ nghĩa binh của mình.

Truyền thống yêu nước gắn với truyền thống cố kết cộng đồng là một giá trị thể hiện tâm thức trọng hòa bình của người Việt. Nhờ đó mà các tộc người Lạc Việt và Âu Việt đã bỏ qua được những hiềm khích mang tính bộ tộc để liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một cộng đồng mới lớn hơn nhiều không những về dân số và đất đai mà quan trọng hơn là làm biến chuyển về chất ý thức cố kết cộng đồng dân tộc với tư cách một quốc gia độc lập. Chiếc lẫy nỏ thần - móng rùa vàng mà tướng quân Cao Lỗ chế tạo không chỉ là bước tiến về kỹ thuật mà còn là biểu trưng kết tinh cho sự cố kết dân tộc, đoàn kết nội bộ, giữ được lẫy nỏ thì giữ được nước.

Nét mới trong cách thức ứng xử về chiến tranh và hòa bình ngay từ thời này cũng được bộc lộ trong kinh nghiệm để đời rằng động thái “diễn biến hòa bình” còn nguy hại hơn chiến tranh. Hàng vạn quân Triệu Đà gục ngã dưới chân núi Vũ Linh mà quân Triệu không tiến nổi một bước. Nhưng trong men say chiến thắng, Thục An Dương Vương đã ban phát hòa bình vô nguyên tắc, tiếp đó mắc bẫy ly gián, làm nản lòng quân dân, dẫn đến mất nước, chạy dài mặc dù thành Cổ Loa vẫn còn đứng sừng sững.

eab955b3-4d93-4419-adab-1551091a17b9-1703691802.jpg
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là lần đầu tiên trong lịch sử người dân Việt đứng lên vì nền độc lập cũng như niềm tự hào của mình. Ảnh: Internet

Đến thời Bắc thuộc, sự nổi dậy đồng loạt của nhân dân 65 huyện thành trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã phá được ách kìm kẹp của chính quyền phong kiến phương Bắc. Sức mạnh đoàn kết, tinh thần chiến đấu dẻo dai của toàn thể dân chúng đã đưa dân tộc ta vượt qua được hơn một nghìn năm Bắc thuộc mà không bị Hán hoá. Nghìn năm cai trị nước ta nhưng các viên thái thú, thứ sử... người Hán không một ngày được ngủ ngon trong hòa bình, lần lượt thay nhau kéo sang rồi lần lượt phải ngậm ngùi cuốn gói hoặc bỏ mạng ở nơi mà chúng coi là “lam chướng nghìn trùng” này. Và cuối cùng, chính ý thức cố kết cộng đồng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân đã giúp Ngô Quyền làm nên võ công Bạch Đằng Giang chói lọi, tạo nên bước ngoặt căn bản cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật dựng binh và dụng binh là một vũ khí đặc biệt của người Việt trong định hình quốc gia, đối phó với chiến tranh, bảo vệ cuộc sống hòa bình. Trong truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân, có thể thấy hoạt động quân sự chuyên biệt chỉ được dùng đến trong trường hợp chống ngoại xâm, còn trong trạng thái bình thường chỉ là sự phái sinh khác của hoạt động sản xuất, thậm chí ngựa sắt, áo giáp sắt, gậy sắt có khi không đắc dụng bằng những bụi tre đằng ngà.

Song, mọi hoạt động quân sự thời này đã có dấu ấn của tâm thức bảo vệ sự tồn vong và phát triển của cả cộng đồng. Đến thời An Dương Vương thì quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” bắt đầu phát huy tác dụng, đặc biệt, việc dựng binh đã bắt đầu có tính chuyên biệt và có những bước tiến đáng khâm phục như công trình thành Cổ Loa; việc chế tạo nỏ liên châu và những mũi tên đồng; có thao trường riêng để rèn luyện binh lính...

Đến thời kỳ chống Bắc thuộc. các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Bí... nổ ra trong điều kiện đất nước đã bị ngoại bang đô hộ, kìm kẹp rất chặt. Tư tưởng đề cao vai trò người dân vốn xuất hiện từ lúc mới mở nước và đã được nuôi dưỡng suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Những cuộc nổi dậy chống địch đàn áp hoặc các hoạt động du kích của dân chúng sau các cuộc khởi nghĩa giành được chính quyền ở thời Hai Bà Trưng, Lý Bí... đã thể hiện tính chất nhân dân khá rõ. Có thể coi đây là thời kỳ chiến tranh toàn dân của người Việt đang từng bước hình thành. Và, một nét mới trong văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng được khẳng định vững chắc: để chống lại bạo lực thì dứt khoát phải bằng sức mạnh bạo lực; để có một nền hòa bình gắn với độc lập tự chủ thì phải biết đem sức ta giải phóng cho ta.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cac-cuoc-chien-tranh-thoi-mo-nuoc-o-viet-nam-thoi-dai-phong-kien-phan-3-va-het-a14153.html