Các cuộc chiến tranh thời mở nước ở Việt Nam thời đại phong kiến (Phần 2)

Qua hơn nghìn năm Bắc thuộc, lịch sử dân tộc ghi dấu chiến công trong các cuộc nổi dậy của nhân dân ta chống ách áp bức của phong kiến phương Bắc.

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ý đồ định đô ở Mê Linh là một trong những sự kiện nổi bật nhất của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng đất nước trong thời kỳ này. Sử sách đều chép tương tự, rằng Trưng Trắc và chồng là Thi Sách thuộc dòng trực hệ Lạc tướng.

Do Thi Sách bị viên Thái thú Tô Định giết hại, “nợ nước thù nhà”, nên mùa Xuân năm 40, Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị đã dấy binh ở Mê Linh (Giao Chỉ), được nhân dân Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều nổi dậy hưởng ứng, chiếm được 65 thành, tự lập làm vua. Rất tiếc rằng Hai Bà chưa kịp bắt tay xây dựng đất nước trong hoà bình, độc lập thì nhà Hán đã sang đánh dẹp được, và điều đó cho thấy giành được quyền tự chủ đã khó, giữ được quyền tự chủ còn khó hơn.

26e06159-8b2f-47e7-b379-3ebb52e67cf4-1703690880.jpg
Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Lý Nam Đế cũng là vị vua đầu tiên ở nước ta. Ảnh: Internet

Tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của người Việt ở giai đoạn tiếp theo trong thời kỳ lịch sử này là công cuộc định đô và giữ thành Long Biên của Lý Bí. Nhân lòng oán giận của dân ta đối với ách đô hộ nhà Lương, Lý Bí đã liên kết hào kiệt các châu nổi dậy khởi nghĩa, và sau khi đánh tan hai cuộc phản công của quân Lương, năm 544, ông lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.

Tên nước Vạn Xuân thể hiện ý nguyện toàn dân tộc mong có được nền hoà bình lâu dài, song ý nguyện đó đã không thành. Khi giặc lại kéo sang, người kế thừa Lý Bí là Triệu Quang Phục đã dẫn quân xây dựng căn cứ mới ở đầm Dạ Trạch (Hưng Yên), ngày cày cuốc, đêm cưỡi thuyền tập kích trại giặc, tạo nên cách đánh du kích gây bất ổn cho địch trong tình hình tưởng như bình ổn. Năm 550, Triệu Quang Phục đem quân phản công, giết Dương Sàn, giành độc lập và lên ngôi, xưng là Triệu Việt Vương. Năm 557, một thân tộc của Lý Bí là Lý Phật Tử từ Thanh Hoá kéo quân về gây loạn chống Triệu Việt Vương, song bất phân thắng bại.

Hai phe ngưng chiến, họ Lý đóng ở Ô Diên, họ Triệu ở Long Biên, thậm chí kết mối thông gia. Địa danh Từ Liêm (Hà Nội) là nơi có bãi Quân Thần được lấy làm ranh giới giữa Triệu Việt Vương và Lý Phật Tử. Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ đánh úp, đoạt toàn bộ đất đai và xưng là Nam Đế (Hậu Lý Nam Đế). Năm 603, nhà Tuỳ đem 10 vạn quân dưới danh nghĩa “đánh dẹp việc làm phản”, Lý Phật Tử đầu hàng. Như vậy là bất ổn bên trong luôn tạo kẽ hở dẫn đến thất bại trong chiến tranh với bên ngoài.

screenshot-2-1703691085.png
Phùng Hưng từng nổi tiếng với giai thoại tự mình giết hổ dữ để trừ hại cho dân. Ảnh: Internet

Trong thời Bắc thuộc, lịch sử nước ta còn lưu danh những cuộc khởi nghĩa như khởi nghĩa Phùng Hưng, khởi nghĩa Mai Thúc Loan... tiêu biểu cho ý chí của người Việt. Nhìn nhận thấu đáo thì những cuộc khởi nghĩa đó chưa đạt đến trình độ các cuộc chiến tranh giải phóng, song cũng đã xuất hiện những cục diện liên quan đến vấn đề chiến tranh và hòa bình. Tiêu biểu nhất là cuộc bao vây thành Tống Bình của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Phùng Hưng quê ở Đường Lâm, Châu Giao (nay thuộc thị xã Sơn Tây), “vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ”. Do chính sách hà khắc của quan đô hộ nhà Đường là Cao Chính Bình, năm 791, Phùng Hưng tự xưng là Đô quân, cùng các em là Phùng Hải, Phùng Dĩnh phất cờ dấy nghĩa.

Khi tiến đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), “lâu ngày không thắng được”, Phùng Hưng không ỷ vào sức mạnh quân sự nữa, mà “dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết”. Chiến thắng này thể hiện động thái dùng phương cách của hòa bình để giải quyết tối ưu cuộc chiến trong điều kiện chiến tranh.

Như vậy, ngay từ buổi đầu dựng nước, vấn đề chiến tranh và hòa bình đã bộc lộ và truyền thống yêu nước đã tỏa thấu vào bản lĩnh người Việt, là giá trị căn cốt để nhận thức, giải quyết thỏa đáng vấn đề chiến tranh và hòa bình. Trong cuộc kháng chiến chống Tần, chính nhờ phát huy được tinh thần yêu nước của người dân mà Thục An Dương Vương đã đoàn kết được hai đại bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt chống xâm lược, tiếp đó xây dựng được hệ thống thành luỹ vững chắc và tiềm lực quân sự mạnh để giữ nước.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cac-cuoc-chien-tranh-thoi-mo-nuoc-o-viet-nam-thoi-dai-phong-kien-phan-2-a14152.html