Từ 1/7/2024, tăng lương cho tất cả đối tượng khi tăng tối thiểu vùng cùng cải cách tiền lương?

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức tăng bình quân 6% từ ngày 1/7/2024.

luong-1703471889.jpg
Từ 1/7/2024, tăng lương cho tất cả đối tượng khi tăng tối thiểu vùng cùng cải cách tiền lương? (Ảnh minh họa: VGP)

Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ hai năm 2023, để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.

Theo đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời gian áp dụng từ 1/7/2024.

Thời gian 1/7/2024 cũng là thời gian Quốc hội chốt để thực hiện tổng thể cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 áp dụng cho các đối tượng khu vực công.

Như vậy, từ 1/7/2024 sẽ tiến hành tăng đồng loạt tiền lương cho các đối tượng khu vực doanh nghiệp và khu vực công trong đó có tiền lương công chức viên chức và người lao động.

Mức lương tối thiểu

Căn cứ Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng, khi chốt tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 lên 6% vào 01/7/2024, lúc này tăng lương tối thiểu vùng 2024 sẽ tăng lên các mức như sau:

Vùng I tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280 nghìn đồng);

Vùng II tăng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng);

Vùng III tăng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng);

Vùng IV tăng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).

Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%, từ ngày 1/7/2024:

Vùng I là 23.800 đồng/giờ.

Vùng II lên 21.200 đồng/giờ;

Vùng III là 18.600 đồng/giờ;

Vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

5 bảng lương mới sẽ được xây dựng khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Mục tiêu chính của cải cách tiền lương là xây dựng và áp dụng hệ thống bảng lương mới dựa trên vị trí công việc, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Hệ thống bảng lương mới này sẽ thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, bảo đảm rằng thu nhập của cán bộ, công chức và viên chức không thấp hơn so với mức lương hiện tại mà họ đang nhận.

Như vậy, hệ thống bảng lương mới bao gồm 5 bảng lương chính, bao gồm:

- 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo.

- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

- 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).

- 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.

- 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Như vậy, khi tiến hành thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024 thì vẫn phải đảm bảo tiền lương công chức viên chức nói riêng và các đối tượng khác trong khu vực công không được thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Phương Thảo - TH

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tu-172024-tang-luong-cho-tat-ca-doi-tuong-khi-tang-toi-thieu-vung-cung-cai-cach-tien-luong-a14110.html