Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đoàn thể; sự vào cuộc của UBND các huyện, thành phố; sự đồng tình ủng hộ của người dân… công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển ổn định; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Sở NN&PTNT Thái Nguyên cho biết, những năm qua, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương luôn nhận được sự quan tâm kịp thời, đúng mực của lãnh đạo tỉnh, các địa phương trong tỉnh và sự ủng hộ chủ động, tích cực của người dân. Nhờ đó, ngành Lâm nghiệp Thái Nguyên đã quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng tiến độ, chú trọng tăng cường tuyên truyền, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng về khai thác, phát phá, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép…
Được biết, năm 2023, các chỉ tiêu bảo vệ và phát triển rừng của Thái Nguyên đều đạt và vượt kế hoạch được giao: Diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 125,86% kế hoạch; số cây xanh trồng phân tán trên địa bàn tỉnh đạt 118,94% kế hoạch; sản lượng khai thác gỗ trên địa bàn tỉnh đạt 104,62% kế hoạch, ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46% đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khoá XX (nhiệm kỳ 2020-2025). Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 692 tỷ đồng, đạt 100,3% so với kế hoạch, tăng 6,62 % so với năm 2022 (649 tỷ đồng).
Ghi nhận thực tế cho thấy, công tác phát triển rừng đã và đang được ngành Lâm nghiệp Thái Nguyên thực hiện hiệu quả. Diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 4.323,39 ha/3.435 ha, đạt 125,8% kế hoạch năm 2023, đạt 103,85% so với năm 2022. Đáng chú ý, thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên trồng 1.415.356 cây/1.190.000, đạt 118,94% kế hoạch.
Theo Sở NN&PTNT Thái Nguyên, đến nay, số lượng cây xanh được cập nhật lên phần mềm quản lý cây xanh ThaiNguyen SmartTrees từ năm 2021 đến nay là: 8.452.702 cây/7.000.000 cây (giai đoạn 2021-2025), đạt 120,75% kế hoạch (năm 2021 cập nhật 1.274.876 cây; năm 2022 cập nhật 4.995.287 cây; năm 2023 cập nhật được 2.182.539 cây).
Đối với công tác giám sát khai thác lâm sản, cơ sở chế biến và tiêu thụ lâm sản, ngành Lâm nghiệp Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ khai thác rừng theo hướng dẫn tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT, quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Theo đó, sản lượng khai thác gỗ trên địa bàn tỉnh là 271.999,86 m3/260.000 m3 kế hoạch, đạt 104,62% kế hoạch giao; tăng 6,65% so với năm 2022 (255.050,91 m3); Diện tích giám sát khai thác 2.903,52 ha rừng trồng tập trung; Khai thác lâm sản ngoài gỗ: 86.910 cây tre, vầu, nứa; 26,5 tấn vỏ quế; 597,6 tấn cành lá quế; măng tươi các loại: 45 tấn; lá dong 30 nghìn lá.
Trong năm 2023, các cơ quan chức năng tại Thái Nguyên tổ chức kiểm tra 18 cơ sở và doanh nghiệp kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn các huyện, thành phố về thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản đã thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua được hình thành và phát triển, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư XD nhà máy chế biến gỗ có quy mô lớn như: Công ty TNHH Dongwha Việt Nam; Công ty TNHH UJU VINA Thái Nguyên; CTCP ván ép Việt Bắc... Một số sản phẩm từ gỗ đã được xuất khẩu (viên nén, ván dán, ván ép ...).
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên – ông Lê Cẩm Long cho biết: Trong năm 2023, tình hình an ninh rừng trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cơ bản được giữ ổn định. Các vụ việc đã được phát hiện sớm và tổ chức lực lượng ngăn chặn, xử lý kịp thời (đặc biệt là tình trạng lén lút chặt phá, xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng tự nhiên đối tượng rừng nghèo, rừng hỗn giao nứa gỗ để lấy đất trồng rừng nguyên liệu đang diễn ra tại một số địa phương). Các lực lượng chức năng đã thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra khu vực giáp ranh, những khu vực phức tạp về tình trạng khai thác lâm sản, các điểm nghi biến động giảm diện tích rừng; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn chủ động phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự, Phó ban lâm nghiệp xã, Trưởng thôn, Tổ quần chúng bảo vệ rừng của các xã trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR. Kết quả phối hợp tổ chức tuần tra 1.267 đợt với 4.200 lượt người tham gia qua tuần tra bảo vệ rừng.
Cùng với đó, các đơn vị hữu quan đã chủ động tăng cường nhiều biện pháp bảo vệ rừng, tổ chức thực hiện kế hoạch về PCCCR mùa khô năm 2023-2024; phân công trực PCCCR theo quy định; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thôn tin cảnh báo cháy sớm và dự báo thời tiết của Đài khí tượng thủy văn; kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện PCCCR chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có rừng ký cam kết bảo vệ rừng; hướng dẫn các hộ gia đình lập phương án PCCCR, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về PCCCR. Phối hợp với các địa phương tổ chức thành công 15 cuộc diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại các huyện, thành phố. Thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng 48 biển tuyên truyền quản lý Bảo vệ rừng, PCCCR; cấp 50 biển cấm lửa rừng cho các chủ rừng và UBND các xã có rừng; xây dựng 02 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động…
Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên – ông Phạm Văn Sỹ cho biết: Năm 2023 thực hiện tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ; Chương trình số 17-CTr/TU ngày 22/9/2017 của tỉnh ủy Thái Nguyên về Chương trình hành động về việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017; Qua đánh giá, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đánh giá cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, ngành Lâm nghiệp Thái Nguyên sẽ tiếp tục chủ động tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; Đẩy mạnh và mở rộng đối tượng được giao rừng, cho thuê rừng, bảo đảm toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến từng chủ rừng gắn trách nhiệm quản lý, phát triển rừng; Đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn; Tập trung điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến, xây dựng cơ sở dữ liệu rừng, đánh giá tổng thể tài nguyên rừng; Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nhất là lực lượng được giao nhiệm vụ trực tiếp, các địa phương có diện tích rừng lớn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; Xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm...
“Quản lý, bảo vệ tốt diện tích diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch, ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46%; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của từng loại rừng; bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội” - ông Phạm Văn Sỹ nhấn mạnh.
Bùi Cường - Đức Long
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung-tinh-thai-nguyen-no-luc-co-gang-de-rung-xanh-mai-them-xanh-a13956.html