Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Chiều ngày 13/12/2023, tại TP. Đà Nẵng, Liên minh HTX TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức hội nghị “Giải pháp hỗ trợ hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số của các hợp tác xã (HTX) và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giải pháp xây dựng “Chợ sản phẩm trực tuyến”. Đồng thời, đánh giá thực trạng hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; những khó khăn, vướng mắc trong triển khai xây dựng Chợ sản phẩm trực tuyến. Từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS&MN tiếp cận thông tin về thị trường và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng công nghệ số.

img-6758-1702457701.jpeg
Ông Phạm Công Chính, Chủ tịch Liên minh HTX TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc hội nghị

Tham dự Hội nghị có TS. Lê Tuấn An - UVBTV Liên minh HTX Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường; ông Phạm Công Chính - Chủ tịch Liên minh HTX TP. Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh miền Trung; lãnh đạo các Sở: Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Công thương; lãnh đạo Hội CCB; Hội Nông dân; Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Đà Nẵng và các HTX tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được xem phóng sự về các hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn vừa qua; báo cáo mức độ chuyển đổi số của các HTX và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải pháp xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến; thực trạng hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở một số địa phương.

Có thể thấy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS&MN và với sự nỗ lực cố gắng của các cấp chính quyền và đồng bào, một số vùng DTTS&MN đã đi vào sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất tinh thần cũng đã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, các xã đều có trạm y tế, có điện, phổ cập giáo dục tiểu học, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp.

223b9dcf32b21d6640a625223e083875-1702457701.jpeg
Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào DTTS&MN nói chung còn rất nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, theo phương thức truyền thống cho hiệu quả thấp, điều kiện về khoảng cách địa lý, cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin kém, khả năng tiếp nhận, đổi mới công nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế. Việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển hiệu quả kinh tế hợp tác, HTX sẽ cơ bản giải quyết đươc các vấn đề tồn tại trong phát triển kinh tế hộ tại vùng đồng bào DTTS&MN, đây cũng là cơ sở tạo động lực, khuyến khích thành viên HTX, đồng bào DTTS&MN tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và điều kiện sống.

Trong xu thế hội nhập và cách mạng 4.0 hiện nay, chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, HTX phát triển. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và Ủy ban Dân tộc đã giao nhiệm vụ cho Liên minh HTX Việt Nam triển khai thực hiện việc “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2023 - 2025 ” thuộc tiểu dự án 2, dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Phạm Công Chính - Chủ tịch Liên minh HTX TP. Đà Nẵng cho biết: “Tính đến cuối tháng 10/2023, miền Trung có tổng số 6.510 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động, trong đó, số thành lập mới là 349 hợp tác xã. Điều này cho thấy hợp tác xã vẫn là mô hình kinh tế được ưu tiên lựa chọn, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay ở nước ta. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ở khu vực miền Trung đã và đang đóng góp quan trọng vào việc sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa rất là lớn, mang lại những giá trị tích cực cả về mặt kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài một số ít hợp tác xã có quy mô lớn, ổn định về hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu, có vị thế trên thị trường, còn lại phần lớn các hợp tác xã vẫn hết sức lúng túng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khó khăn trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm để tiêu thụ. Tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do chúng ta không theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, chậm trong ứng dụng công nghệ thông tin, do vậy việc tổ chức hội nghị “Giải pháp hỗ trợ HTX và thành viên, đồng bào vùng DTTS&MN ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” là hết sức cần thiết”.

img-6756-1702457701.jpeg
Ông Lê Ngọc Trung, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam phát biểu tham luận tại Hội nghị

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận, chia sẻ của lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh khu vực miền Trung và các hợp tác xã tiêu biểu của TP. Đà Nẵng điển hình trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận những khó khăn vướng mắc và đưa những giải pháp thực hiện trong chuyển đổi số đối với khu vực Kinh tế tập thể, Hợp tác xã nói chung và các hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Vũ Hà

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chuyen-doi-so-giai-phap-ho-tro-cho-htx-trong-san-xuat-va-tieu-thu-san-pham-a13935.html