Trong một thời gian dài hàng chục năm trước chiến tranh, vấn đề bước vào chiến tranh của các nhà nước đã thu hút rất nhiều cuộc tranh luận của các học giả và các nhà chỉ đạo thực tiễn quân sự của các nước trên thế giới, nhất là ở Đức, Pháp và Nga.
Chính trên cơ sở các cuộc tranh luận đó cũng bắt đầu hình thành học thuyết quân sự và các chiến lược quốc gia về chiến tranh. Hàng loạt “đại vấn đề” được đặt ra như: Xác định mục đích tham chiến thế nào, ai là đồng minh chiến lược và ai là đối tượng tác chiến chiến lược, duy trì trạng thái kinh tế - xã hội thời chiến ra sao, hậu quả chiến tranh sẽ phải hứng chịu đến mức nào... và nhất là về phương thức tiến hành chiến tranh.
Các vấn đề về hòa bình dường như bị chìm lấp, bất chấp tâm lý lo sợ của người dân về hậu họa chiến tranh. Đặc biệt, các nhà nước tư sản mới lên rất khấp khởi mong mỏi bằng cách tiến hành chiến tranh sẽ đem lại cơ may phát triển, điều mà trong điều kiện hòa bình họ đã thi thố đủ mọi cách nhưng khó có thể kiếm tìm được.
Phân tích, so sánh học thuyết quân sự cũng như các kế hoạch bước vào chiến tranh của các nhà nước Đức, Pháp và Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất cho thấy có nhiều điểm không giống nhau. Đức có tư tưởng tiến công xâm lược được thể hiện một cách rõ ràng và có kế hoạch bảo đảm bằng vật chất cho các chiến dịch tiến công xâm lược đầu tiên. Pháp tuy cũng có luận thuyết mang tính chất tư tưởng tiến công, nhưng phương thức tiến hành khi đã bước vào chiến tranh lại đòi hỏi nắm được thật đầy đủ về đối phương rồi mới hạ quyết tâm cuối cùng về chiến lược.
Còn Nga thì muốn giành thế chủ động chiến lược, song dự kiến bước vào chiến tranh chỉ dùng một bộ phận lực lượng chứ không triển khai toàn bộ quân đội, do vậy Nga bước vào chiến tranh trong điều kiện chưa hoàn thành xong việc triển khai chiến lược, mới chỉ ở một bộ phận lực lượng.
Ý đồ chiến lược của các nước lớn châu Âu này có nhiều điểm chung. Tất các các nước này đều đặt ra mục tiêu chiến lược rất kiên quyết và cho rằng tác chiến ngay từ những cuộc đụng độ đầu tiên cho tới khi kết thúc chiến tranh đều phải có tính chất tích cực và cơ động cao.
Các nước đều hy vọng nhanh chóng kết thúc được cuộc chiến tranh trong một thời gian ngắn dựa vào các nguồn dự trữ động viên lớn về binh lực, khí tài, vũ khí, đạn dược... đã được chuẩn bị sẵn từ trước khi có chiến tranh. Họ đều cho rằng các chiến dịch đầu tiên của lực lượng chủ lực có ý nghĩa quyết định, còn thời kỳ tiếp theo của chiến tranh là sự tận dụng kết quả thắng lợi đạt được trong các chiến dịch đầu tiên của chiến tranh.
Theo đó, các bên đều hy vọng và cố gắng để động viên và triển khai được các chiến dịch nhanh hơn đối phương, hay ít nhất cũng không bị chậm hơn đối phương. Cho đến trước khi tiếng súng đầu tiên của Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, nhiều nhà lý luận quân sự đều dự đoán rằng chiến tranh sẽ kết thúc rất nhanh chóng. Song trên thực tế, cuộc chiến tranh này đã diễn biến phức tạp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà lý luận quân sự.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chien-tranh-va-hoa-binh-trong-hai-cuoc-chien-tranh-the-gioi-the-ky-xx-a13907.html