Vấn đề chiến tranh và hòa bình trong cuộc chiến Nga - Nhật

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản phát triển lên giai đoạn chủ nghĩa đế quốc với những đặc trưng mới về kinh tế - chính trị đã làm cho bộ mặt chiến tranh và hòa bình có những chuyển biến hoàn toàn khác trước.

manchuria-1702313713.png
Đại Mãn Châu gồm Mãn Châu thuộc nhà Thanh (màu đỏ) và Mãn Châu thuộc Nga (màu hồng). Ảnh: Wikipedia.

Chính sự xuất hiện những tổ hợp kinh tế quân sự xuyên quốc gia đã làm cho sự chuyển hóa chiến tranh và hòa bình lúc này không chỉ mang ý nghĩa quyết định hơn về mặt chiến lược, mà còn bao chứa những nội dung mới liên quan đến cả các quốc gia đối địch và các nước trong khu vực. Thậm chí, một đốm lửa chiến tranh có thể lan rộng thành đại chiến thế giới. Hoặc ngược lại, một cường quốc có thể đủ sức răn đe để loại trừ được cả một cuộc chiến tranh đang ngấp nghé. Đặc biệt, quyết sách chính trị của các nước tham chiến, kể cả chính sách đối nội, phụ thuộc rất trực tiếp vào thắng lợi hay thất bại trên chiến trường.

Điều đó thể hiện ở cuộc chiến tranh Nga - Nhật, cuộc chiến tranh lớn đầu tiên trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, diễn ra giữa nước Nga phong kiến quân chủ và đế quốc Nhật Bản non trẻ từ tháng 2 năm 1904 đến tháng 9 năm 1905. Cuộc chiến tranh này có tính chất riêng trong triển khai lực lượng chiến lược chủ yếu của hai bên và hoạt động chiến đấu từ khi tuyên bố chiến tranh, cũng như các đặc trưng cơ bản của việc nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình. Cả hai bên tham chiến đều tự xác định rõ mục tiêu chính trị của chiến tranh cũng như mục đích chiến lược trước mắt về mặt quân sự. Đối với cả hai bên, mục tiêu chiến lược trước mắt đều là giành được quyền làm chủ trên mặt biển và bảo đảm triển khai thuận lợi cho lục quân trên chiến trường Mãn Châu.

Nhật Bản tuyên chiến ngày 8 tháng 2 năm 1904. Tuy vậy, 3 giờ trước khi triều đình Nga nhận được lời tuyên chiến, Hải quân Nhật đã khai chiến bằng cuộc tấn công bất ngờ của các thuyền phóng ngư lôi vào các con tàu Nga tại cảng Lữ Thuận. Cuộc tấn công làm hư hại nặng các thiết giáp hạm Tsesarevich, Retvizan và tuần dương hạm Pallada khiến Nga miễn cưỡng phải rời cảng ra vùng nước sâu. Ngày 12 tháng 4, một số chiến hạm của Nga ra khỏi cảng nhưng vướng thủy lôi của Nhật, đều bị chìm và hư hại nặng. Trên bộ, quân Nhật đổ bộ xuống gần Incheon, chiếm Seoul và tiếp đó là phần còn lại của Triều Tiên.

Nga chủ động tránh giao chiến để có thời gian đợi quân tiếp viện qua tuyến đường sắt xuyên Siberi khi đó vẫn chưa hoàn thành ở đoạn gần Irkutsk. Ngày 1 tháng 5 năm 1904, trận sông Áp Lục là trận chiến đầu tiên trên đất liền, quân Nhật đột chiếm các vị trí của quân Nga sau khi vượt sông và tiếp tục đổ bộ xuống nhiều điểm quan trọng tại bờ biển Mãn Châu, đẩy lùi lục quân Nga về phía cảng Lữ Thuận. Trận chiến tại cảng Lữ Thuận trở nên ác liệt hơn khi hai chiếc thiết giáp hạm của Nhật bị nhử vào một bãi thủy lôi của Nga ở gần cảng Lữ Thuận ngày 15 tháng 5 năm 1904. Thiết giáp hạm Hatsuse chìm chỉ trong vài phút, mang theo 450 thủy thủ, còn chiếc Yashima chìm trong khi được kéo về Triều Tiên để sửa chữa. Song nỗ lực phá vây của hạm đội Nga vẫn bị thất bại.

1280px-fire-of-the-oil-depot-caused-by-our-gunfire-1702313748.jpg
Bắn phá trong Cuộc vây hãm cảng Lữ Thuận. Ảnh: Wikipedia.

Nhật Bản bắt đầu cuộc bao vây dài ngày cảng Lữ Thuận, đánh chìm nhiều thuyền chiến Nga tại cảng. Cuối cùng, cảng Lữ Thuận thất thủ vào ngày 2 tháng 1 năm 1905. Trên bộ, Tập đoàn quân số 3 của Nhật Bản tiếp tục tiến lên phía Bắc tiếp viện cho mặt trận phía nam thành phố Phụng Thiên lúc này do Nga chiếm giữ. Hai bên đóng trại đối diện nhau suốt dọc 110km chiến tuyến. Tập đoàn quân số 2 của Nga từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 1 đã mở đợt tấn công vào cánh trái quân Nhật gần thị trấn Sandepu, nhưng không nhận được sự trợ giúp từ các đơn vị quân Nga khác nên bị chặn lại. Trận Phụng Thiên mở đầu vào ngày 20 tháng 2 năm 1905, quân Nhật liên tục tấn công vào hai cánh của quân Nga và không ngừng gia tăng áp lực.

Quân Nga rút lui về phía bắc Phụng Thiên trong một đội hình rệu rã, nhưng chính quân Nhật cũng chịu thương vong lớn nên không thể truy kích tiêu diệt hoàn toàn được họ. Thắng lợi cuối cùng vẫn phải quyết định bằng hải quân. Ngày 27 và 28 tháng 5 năm 1905, trong cuộc chạm trán tại eo biển Đối Mã, Hạm đội Thái Bình Dương 2 của Nga (Hạm đội Ban tích được đổi tên để đi giải cứu cảng Lữ Thuận) gần như bị tiêu diệt, mất 8 thiết giáp hạm, rất nhiều tàu nhỏ và hơn 5.000 quân, chỉ có 3 tàu chạy thoát được đến Vladivostok. Sau trận Đối Mã, hải quân Nhật chiếm toàn bộ quần đảo Sakhalin để ép Nga phải yêu cầu đình chiến.

assaut-kin-tcheou-1702313783.jpg
Quân Nga cố thủ trước sự tấn công của quân Nhật, năm 1904. Ảnh: Wikipedia.

Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Nga - Nhật đã cho thấy việc xử lý vấn đề chuyển đất nước từ trạng thái hòa bình sang trạng thái chiến tranh có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với toàn bộ cuộc chiến. Nội dung chủ yếu của sự chuyển trạng thái này bao gồm tổng động viên, tập trung và triển khai lực lượng chủ yếu để bước vào trận đánh lớn quyết định, nhưng đồng thời cũng có những nét khác với các cuộc chiến tranh trước ở chỗ bao gồm một loạt các hoạt động chiến đấu ác liệt trên biển cũng như trên bộ ngay từ đầu.

Chiến tranh trước khi được công bố chính thức đã bắt đầu bằng một cuộc tập kích bất ngờ của hạm đội Nhật Bản vào Hạm đội Viễn Đông của Nga. Do đặc điểm phức tạp của chiến trường cũng như do quyết tâm chiến lược và phương thức tiến hành chiến tranh của cả hai bên nên chiến tranh đã kéo rất dài. Bộ Chỉ huy quân đội Nga đã nỗ lực tranh thủ được thời gian để tập trung và triển khai lực lượng. Về phía Nhật, có điều kiện tổng thể thuận lợi hơn và chủ động chiến lược nhưng do hành động chậm chạp và quá thận trọng nên đã bỏ lỡ thời cơ đánh bại đối phương trong thời gian ngắn.

retreat-of-the-russian-army-after-the-battle-of-mukden-1702313846.jpg
Quân lính Nga rút khỏi Phụng Thiên sau khi thất trận. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, cuối cùng, sự thất bại của lục quân và hải quân Nga trên chiến trường đã làm người Nga mất tự tin. Cùng với đó, trong suốt năm 1905, chế độ phong kiến Nga rung chuyển vì cuộc Cách mạng tư sản Nga. Sa hoàng Nikolai II buộc phải chọn con đường thương thảo hòa bình để có thể tập trung vào các vấn đề trong nước. Hiệp ước Portsmouth đã được ký vào ngày 5 tháng 12 năm 1905 trên tàu hải quân Hoa Kỳ New Hampshire.

Nga công nhận Triều Tiên là một phần trong không gian ảnh hưởng của Nhật và đồng ý rút ra khỏi Mãn Châu. Nhật sáp nhập Triều Tiên vào Nhật năm 1910 với ít sự phản đối từ các cường quốc khác. Nga cũng hủy bỏ hợp đồng về quyền thuê cảng Lữ Thuận trong 25 năm, bao gồm căn cứ hải quân và bán đảo xung quanh. Tệ hơn, Nga phải nhượng lại nửa phía nam đảo Sakhalin cho Nhật (phần lãnh thổ này được Liên Xô lấy lại năm 1952 theo Hiệp ước San Francisco sau Chiến tranh thế giới thứ hai).

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/van-de-chien-tranh-va-hoa-binh-trong-cuoc-chien-nga-nhat-a13825.html