Trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1870-1871), quân đội Phổ nhờ sử dụng vận chuyển bằng đường sắt đã cơ động được 400 nghìn người trên cự ly 550 cây số với thời gian 11 ngày, nghĩa là đạt tốc độ tới 50 cây số mỗi ngày. Chính nhờ ưu thế của sự cơ động nói trên mà quân đội Phổ đã mở được những cuộc tiến công mạnh mẽ đầu tiên vào quân đội Pháp và giành được thắng lợi to lớn, trong lúc Pháp chưa kịp tiến hành việc triển khai chiến lược. Khoảng cuối thế kỷ XIX, ở Đức và Pháp, nhờ mạng đường sắt phát triển nhiều hơn nên việc vận chuyển binh lính ở cự ly xa với số lượng vài trăm nghìn người cũng tiếp tục được rút ngắn rõ rệt về mặt thời gian.
Chỉ riêng khả năng mới về tổ chức tổng động viên và triển khai các lực lượng chiến lược đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu lý luận quân sự phải thừa nhận vai trò của quá trình phát triển nền công nghiệp đang tác động cực mạnh vào đặc điểm và phương thức tiến hành chiến tranh ở thời kỳ này. Bởi lẽ, điều đó đã làm cho thời gian chuẩn bị chung cho chiến tranh ngắn hơn, chiến tranh diễn ra bất ngờ hơn và tính chất kiên quyết của những cuộc tiến công đầu tiên sẽ lớn hơn nhiều so với các thời kỳ trước đó.
Đặc biệt, đối với các nhà nước đi xâm lược, điều đó có ý nghĩa rất lớn trong chủ động tiến hành các cuộc đột kích phủ đầu bất ngờ vào đối phương. Quá trình phát triển công nghiệp đã mở ra những khả năng mới cho các hoạt động quân sự trong thời gian chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, đồng thời cũng tạo khả năng bên đi xâm lược nhanh chóng đột nhập sâu lãnh thổ nước đối địch mà đối với các cuộc chiến tranh trước, khả năng đó là không thể. Chẳng hạn như, luận điểm về đòn đột kích phủ đầu ở Đức cho rằng Nhà nước Đức dựa trên cơ sở phát triển nền công nghiệp hoàn toàn có thể giành thắng lợi trong chiến tranh, thậm chí trước một đối thủ mạnh, bằng một số chiến cục với thời gian ngắn.
Sự phát triển mới của nền công nghiệp tạo nên những điều kiện thực tiễn để rút ngắn một cách đột biến về thời gian kể từ lúc tuyên bố tổng động viên cho tới khi bước vào hoạt động tác chiến của các lực lượng chủ yếu cũng có ý nghĩa quan trọng đối với bên chống xâm lược. Các nhà lý luận quân sự Nga thời đó đã cho rằng vai trò chiến cục đầu tiên sẽ có ý nghĩa quan trọng quyết định đến thắng hay bại trong cuộc chiến tranh. Một trong những yếu tố bảo đảm có tính chất quyết định là triển khai trước được các lực lượng chủ yếu, nếu không giành thắng lợi ngay từ đầu thì ít nhất cũng có thể tránh được những tổn thất nặng nề khi bắt đầu chiến tranh.
Tuy nhiên, cũng có những cách nhìn toàn diện hơn đã đặc biệt nhấn mạnh rằng, các chiến dịch đầu tiên diễn ra ở quy mô to lớn và căng thẳng đến đâu cũng không thể quyết định ngay được số phận của cuộc chiến tranh. Bởi lẽ, trong chiến tranh có thể bị tổn thất lớn ngay trong chiến cục đầu tiên, nhưng nhà nước vẫn còn khả năng có thể làm thay đổi tình huống không thuận lợi bằng cách tiếp tục tổng động viên và đưa các lực lượng dự bị lớn vào chiến đấu. Khi mà nhà nước đã đủ sức huy động cho chiến tranh với toàn bộ lực lượng và khả năng của mình, thì cuộc chiến tranh tất yếu sẽ diễn ra vô cùng ác liệt và kéo dài - điều mà bên đi xâm lược không hề mong muốn.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nguon-goc-cuoc-chien-tranh-phap-pho-phan-1-a13823.html